CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:24

Đề xuất cách tính phụ cấp độc hại cho nhà giáo dạy nghề

 

Ảnh minh họa


Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng quy định nhà giáo dạy tích hợp bao gồm: nhà giáo là nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú, nhà giáo ưu tú trở lên và người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; nhà giáo dạy người khuyết tật; nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập).

Cán bộ quản lý bao gồm: Hiệu trưởng, giám đốc, phó hiệu trưởng, phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; viên chức phòng đào tạo; viên chức phòng quản lý học viên, học sinh, sinh viên; viên chức phòng khảo thí và bảo đảm chất lượng trực tiếp giảng dạy theo quy định.

Người có trình độ kỹ năng nghề cao quy định bao gồm: Người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4 trở lên; người có chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 trở lên do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật hoặc quyết định hưởng lương bậc thợ 5/6, 6/7 trở lên theo bảng lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước.

Về cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp. Được tính, tiền phụ cấp đặc thù = {[Hệ số lương theo ngạch, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở}/ [Số giờ dạy định mức trong năm/12 (tháng)] x Số giờ dạy tích hợp thực tế trong tháng x 10%. 

Tiền phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo là nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú, nhà giáo ưu tú trở lên và người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành. Tiền phụ cấp đặc thù = {[Hệ số lương theo ngạch, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở} / [Số giờ dạy định mức trong năm/12 (tháng)] x Số giờ dạy thực hành thực tế trong tháng x 10%.

Theo Nghị định số 113/2015/NĐ-CP, nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp (nhà giáo dạy thực hành) tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau sẽ được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc; dạy thực hành ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định; Dạy thực hành trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép; Dạy thực hành những ngành, nghề học phát sinh tiếng ồn lớn hoặc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép; Dạy thực hành ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Mức phụ cấp được tính từ 0,1 – 0,4 tùy mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH cũng hướng dẫn cụ thể cách tính tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau: Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng x Mức lương cơ sở) / [Số giờ dạy định mức trong năm/12 (tháng)] x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.

Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo quy định tại Điều 3 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

 Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;

 Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp được đảm bảo từ nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị.

Trong trường hợp Nhà nước thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp nhà giáo vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo các quy định hiện hành về việc xác định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm và gửi Bộ Tài chính xem xét, thẩm định theo quy định.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh