Đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:13 - 18/04/2020
Theo đó, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện nay đang được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, trong đó giá sách giáo khoa được thực hiện theo quy định tại pháp luật về giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 3 bản kê khai giá của 3 Nhà xuất bản, trong đó tiếp nhận văn bản kê khai giá bao gồm: Bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán sách giáo khoa. Do đây là trường hợp lần đầu các Nhà xuất bản thực hiện kê khai giá bộ sách giáo khoa mới với cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải là kê khai điều chỉnh giá.
Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông thì Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục thống nhất. Theo đó, các tác giả, các Nhà xuất bản dựa vào chương trình để viết sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT tổ chức thi, thẩm định nội dung để chọn ra một số bộ sách giáo khoa có nội dung hay và sát với chương trình nhất.
Sau khi được Bộ GD&ĐT chọn, các tác giả, các Nhà xuất bản sẽ tổ chức in ấn, phát hành. Giám đốc Sở, hiệu trưởng các trường, hoặc giáo viên, phụ huynh, học sinh được quyền tự chọn cho mình một bộ sách thích hợp trong số những bộ sách đã được Bộ GD&ĐT thẩm định nội dung. Như vậy, thay vì trước đây chỉ có nhà xuất bản Giáo dục được quyền xuất bản sách giáo khoa thì nay có 3 Nhà xuất bản thực hiện cung ứng sách giáo khoa ra thị trường là đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa trong việc biên soạn sách giáo khoa tại Luật Giáo dục, Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Theo đó, sách giáo khoa mới có thể có nội dung được lựa chọn kỹ hơn, hình thức đẹp hơn.... Giáo viên, học sinh, phụ huynh có điều kiện lựa chọn cho mình bộ sách giáo khoa hay và phù hợp nhất để giảng dạy và học tập. Cũng vì được nhiều Nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, theo đó sẽ không còn độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa như trước đây.
Cục Quản lý giá cho biết, trước đây chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán sách giáo khoa nên giá thành có giảm hơn so với sách giáo khoa đã được xã hội hóa. Vì trong bảng kê khai giá được các Nhà xuất bản gửi đến bao gồm: Chi phí giấy, công in, nhuận bút, tổ chức bản thảo, chi phí quản lý, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0, lợi nhuận của Nhà xuất bản... cho thấy các khoản chi nhiều hơn trước.
Vì vậy, nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (Bộ sách đã được dùng cho năm học 2019 - 2020), bộ sách giáo khoa mới có mức giá cao hơn. Tuy nhiên, việc so sánh này chưa tương đồng, do việc biên soạn, xuất bản 1 bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây để đáp ứng các yêu cầu về cải cách giáo dục trong tình hình mới như yêu cầu về chất lượng, hình thức, mẫu mã, cạnh tranh, không hỗ trợ từ ngân sách chi phí tổ chức bản thảo lần đầu. Ngoài ra, xét về số lượng của bộ sách thì số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 9-10 cuốn) nhiều hơn số lượng quyển sách trong bộ sách giáo khoa cũ chỉ có 6 cuốn.
Về lâu dài, với việc xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các Nhà xuất bản thông qua chất lượng cũng như giá bán sách giáo khoa, và quyền lựa chọn thuộc về người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, các chi phí hình thành sách giáo khoa do các Nhà xuất bản tự trang trải và có thể việc tự định giá sách giáo khoa ở mức cao so với nhu cầu của xã hội. Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Vấn đề này Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến khi kiến nghị Chính phủ kiểm soát bằng hình thức định giá tối đa.
Từ thực tế nêu trên kết hợp với kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia có điều kiện tương đồng, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các Nhà xuất bản; Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn. Đây cũng là lý do để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT đề xuất, báo cáo trình Chính phủ phương án quản lý giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam. Trong đó, hai Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa đối với việc cung cấp mặt hàng này.