Đề xuất bỏ 'Chí Phèo' khỏi SGK: Đừng dạy học sinh xã hội toàn màu hồng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:55 - 07/12/2017
Hình ảnh Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".
Nên đưa tác phẩm “Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?
Tuy nhiên, mới đây tác giả Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia) gửi tới Vietnamnet bài viết nêu quan điểm về việc có nên tiếp tục dạy tác phẩm "Chí Phèo" trong chương trình phổ thông hay không?
Tác giả Nguyễn Sóng Hiền cho rằng: “Ở khía cạnh văn học, tác phẩm có thể được đánh giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại. Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?”.
Để minh chứng cho những nhận định trên, tác giả Nguyễn Sóng Hiền đã phân tích một cách khách quan và logic về tác phẩm này.
Chí Phèo đại diện cho ai?
Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá. Nhưng theo tôi, đây là một nhận xét phiến diện và mang tính áp đặt.
Nếu xem xét kỹ toàn bộ tác phẩm, chúng ta đều có thể nhận thấy rằng Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác.
Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá.
Bản thân một đứa trẻ bị bỏ rơi đã mang cho mình số phận thiệt thòi, huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy.
Vậy, Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy.
Chí là người tốt hay xấu?
Khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt. Chí không có ruộng nên năm 20 tuổi phải đi làm canh điền cho Bá Kiến.
Rõ ràng, trong xã hội ấy người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Có thể thấy, Chí vẫn được xã hội đó đón nhận và thừa nhận như một thành viên. Chí đã được ưu ái.
Tuy nhiên, sau khi làm thuê cho Bá Kiến, Chí bị ghen và bị đẩy đi tù 7,8 năm. Nhiều học giả cho rằng điều này phản ánh sự áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến và địa chủ với tầng lớp bần nông như Chí. Nhưng xin thưa, nếu không sống ở xã hội đó mà xã hội có văn minh hơn đi nữa, những đứa trẻ bị bỏ rơi như Chí cũng khó để đón nhận được sự đối đãi công bằng từ xã hội. Thậm chí còn bị ngược đãi và lạm dụng, vì thân cô thế cô không ai bảo vệ.
Sau khi ra tù, Chí biến thành con người khác, một người xấu, hay một con quỷ. Chí uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê, phá phách, xin đểu, đốt quán...
Một đứa trẻ không cha, không mẹ, không được giáo dục bị đẩy đi ở tù liệu ra tù nó có thể trở thành người tốt không? Và chính lúc say Chí củng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi Chí chứ đâu chửi cái xã hội đang sống.
Đơn giản, Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.
Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí.
Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".
Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo.
Nhiều nhà phê bình còn cường điệu hoá cho cặp đôi Chí và Nở, xem như là một biểu tượng xứng đôi vừa lứa. Đó dường như không phải là chủ ý của nhà văn. Chí là một tên tội phạm, một kẻ lưu manh, còn Thị Nở là cô gái đáng thương, một người thiểu năng về nhận thức, ở mãi với Chí bảy ngày mới nhớ ra rằng phải về hỏi dì.
Như vậy, Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.
Chí đáng thương hay đáng lên án?
Số phận của Chí là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn.
Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá.
Nhưng xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội.
Học sinh rất hào hứng khi được học “Chí Phèo”
Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?”.
Theo các thầy, cô giáo dạy Văn: Học sinh rất hào hứng khi được học “Chí Phèo”.
Hiện tại, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này, nhất là từ những giáo viên dạy Văn.
Cô giáo Nguyễn Thị Gấm, giáo viên dạy Văn tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) khẳng định, tuyệt đối không chấp nhận việc loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao ra khỏi sách giáo khoa.
“Chưa bàn đến giá trị nội dung và nghệ thuật, chỉ cần nhìn vào những lớp học sinh tôi đã từng giảng dạy là có thể thấy sức sống lâu bền của tác phẩm này.
Học sinh rất hào hứng khi được học “Chí Phèo”. Các em sôi nổi phát biểu ý kiến xây dựng bài, thậm chí trống báo hết giờ, chúng còn nhao nhao “cô dạy tiếp đi, cô dạy tiếp đi”. Tôi cũng đã từng đọc những bài văn phân tích vô cùng sâu sắc của học sinh về tác phẩm này. Một lớp thì đến quá nửa có câu trả lời là “Chí Phèo” khi được hỏi yêu thích tác phẩm nào nhất trong chương trình Văn học lớp 11”, cô Gấm chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Gấm còn chia sẻ mong muốn giới thiệu cho học sinh bản hoàn chỉnh của truyện ngắn, không lược bỏ cắt xén, bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm chỉ được cảm nhận đúng đắn trong chỉnh thể.
Theo anh Nguyễn Anh Tú, cử nhân Văn học, trường Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội), để trả lời câu hỏi có nên bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa hay không, chúng ta cần nhìn nhận tác phẩm trên nhiều khía cạnh như: thời gian ra đời, hoàn cảnh sáng tác, giá trị tư tưởng...
“Nam Cao đang cổ súy cho một xã hội đầy những trò bạo lực sao? Không. Ta hãy xem, Chí trước kia là một người lương thiện, và cho đến cuối cùng, anh cũng vẫn lương thiện qua câu nói đầy ám ảnh: "Ai cho tao lương thiện?"
Đây là một tác phẩm tiêu biểu thuộc dòng văn học hiện thực phê phán. Và hãy xem, nó đang phê phán điều gì? Một xã hội bất công? Vâng. Nhưng anh nói rằng, cổ vũ cho tác phẩm là cổ vũ cho lối sống và xã hội mà nó miêu tả, thì hẳn anh đã sai.
Nhìn ra thế giới, phải chăng người Nhật cổ súy cho hành động phá hoại văn hiến, và thủ tiêu văn hóa khi Yukio Mishima viết “Kim các tự”. Hay thế giới đui mù khi tuyên xưng “Anh em nhà Karamazov”, tác phẩm viết về sự tan vỡ gia đình là tác phẩm vượt thời đại, có tiếng vang mạnh mẽ nhất trong những tác phẩm văn học của Liên Xô, là tác phẩm “báo trước cho văn học hiện sinh”...”, anh Tú phân tích.
Anh Nguyễn Anh Tú đặt ra câu hỏi rằng chúng ta muốn dạy gì cho những đứa trẻ đang chập chững bước vào đời? Rằng, đời chỉ toàn một màu hồng chăng? Đó là một sai lầm.
Nhà văn trẻ Kai Hoàng thẳng thắn cho rằng tác giả của đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa, chưa hiểu rõ tường tận về tác phẩm này.
“Anh Nguyễn Sóng Hiền nên tìm hiểu kỹ hơn về bối cảnh ra đời cũng như những giá trị hiện thực của tác phẩm. Chúng ta cần phải có một góc nhìn văn học bao quát và chuẩn mực để đánh giá đúng về tác phẩm.
Với “Chí Phèo”, nhà văn Nam Cao đã khắc họa rất rõ nét khi đi đến tận cùng của bi kịch mà một xã hội thực dân nửa phong kiến mang lại thông qua hình tượng nhân vật Chí Phèo để thể hiện tính nhân văn của tác phẩm. Không thể nào lấy một quan điểm cá nhân ở thì hiện tại để mang vào mổ xẻ một tác phẩm văn học ở thời điểm trước đó như tác giả đề xuất”, anh Kai Hoàng nói.