THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:09

Đề thi Ngữ văn: Sẽ rất ít thí sinh bị điểm dưới trung bình

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi.


Thầy Vũ Thanh Hòa, giảng viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận xét: Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương đối cơ bản, kiến thức đưa ra không quá khó và cũng không quá hàn lâm, điều đặc biệt của đề thi năm nay chính là sự liên kết giữa phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.

Theo thầy Hòa: "Đề năm nay rất phù hợp và gần gũi với các em học sinh. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội nói về vấn đề lòng trắc ẩn, rất thiết thực trong cuộc sống và khơi gợi điều tốt đẹp. Những câu hỏi như "thấu cảm là gì" hay nhận xét về hành động của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé người Bồ Đào Nha đều rất dễ dàng và thân thuộc, yêu cầu các em phải thể hiện được quan điểm của mình, suy nghĩ của bản thân về những điều tốt đẹp trong cuộc sống". Sự liên kết giữa hai phần đọc hiểu và nghị luận xã hội cũng tạo một cảm giác liền mạch, khiến các em cũng dễ dàng vận dụng và tiếp nối cảm xúc, không tạo cảm giác đề dài dòng mà rất chặt chẽ.

Nhận xét về phần nghị luận văn học chiếm 5 điểm, thầy Hòa cho hay, đây chính là câu phân loại học sinh rõ ràng nhất. Đề trích đoạn 20 câu thơ trong bài Đất nước, trường ca Mặt đường khát vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

Nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn năm nay được đánh giá là có tính phân loại cao, so sánh với đề thi năm 2016 thì không có sự chênh lệch độ khó là mấy. Tuy nhiên, thời gian làm bài chỉ trong 120 phút, ngắn hơn so với năm ngoái nên nhiều thí sinh không kịp triển khai, vận dụng được hết ý. Thầy Hòa cũng nhận xét rằng đề năm nay tuy phù hợp cho các em thi xét tốt nghiệp nhưng vẫn hơi dài và có nhiều yêu cầu cùng kỹ năng, chỉ có những em học khá giỏi, nhuần nhuyễn được các phương pháp, các thức thì mới hoàn thiện bài một cách tốt nhất trong thời gian 120 phút. Tuy nhiên, đề năm nay cũng có một số điểm dễ như đã trích dẫn sẵn khổ thơ và văn bản, các thí sinh chỉ cần nhìn và làm, không cần phải học thuộc.

"Với lượng kiến thức và mức độ khó như vậy, tôi cho rằng những em học sinh trung bình vẫn có thể lấy được điểm 7, còn những em có học lực tốt thì điểm 8, điểm 9 cũng không quá khó" - thầy Hòa cho biết.

 

Đề thi môn Ngữ văn.

 

 Cô Nguyễn Thị Yến, Giáo viên Văn, trường THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng, đề Văn năm nay sẽ có nhiều học sinh làm tốt vì đề nghị luận xã hội không quá khó. Đó là vấn đề quen thuộc của xã hội, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực của đời sống hàng ngày. Nhất là vấn đề thấu cảm với đồng cảm trong xã hội hiện đại thì cần phân biệt và làm rõ. Học sinh cần liên hệ và hiểu về đời sống xã hội để có điểm tuyệt đối ở câu hỏi này.

Hay nhất có lẽ là câu 3, ở phần Làm văn, với bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ trong đề thi là sự hòa quyện về không gian và thời gian của đất nước, nhưng đây cũng chính là câu phân loại học sinh.

Ở câu này, thí sinh cần có kỹ năng phân tích, bình luận và phải có cảm xúc, thẩm mỹ và giải thích tốt để bài văn được nâng tầm. Đồng thời, các em phải biết phân tích đoạn trích để đưa ra được tư tưởng sâu sắc của chính tác giả. Đoạn thơ trên vừa chính luận, lại vừa lãng mạn trữ tình qua hình ảnh “anh” và “em” đòi hỏi thí sinh thực sự chăm chỉ và học khá trở lên để làm tốt.

Nói chung, đề Văn tương đối dễ, học sinh trung bình khá cũng có thể làm được, nhưng vẫn có câu phân loại học sinh. Muốn được điểm cao, thí sinh cần có tư duy lập luận, nhất là về xã hội. Các câu phân tích phải thực sự chắc, sắc sảo, khái quát được vấn đề ở một tầm cao và đặc biệt là tránh lan man. 

Thầy Nguyễn Văn Song, Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) nhận xét: Phần đọc hiểu có ngữ liệu là một văn bản văn xuôi có nội dung bàn về lòng trắc ẩn, thấu cảm của con người trong cuộc sống. Đây là một văn bản có nội dung sâu sắc, hướng giới trẻ biết sống thấu hiểu, chia sẻ với con người, cuộc sống xung quanh mình. Đây là điều cần thiết khi cuộc sống hiện tại đang tồn tại hiện trạng vô cảm như một căn bệnh.

Các câu hỏi sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, phù hợp với dạng đọc hiểu, kiểm tra được kĩ năng đọc hiểu của học sinh từ hình thức đến nội dung, phù hợp với các mức độ của từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.

Câu hỏi 4 của phần đọc hiểu khá hay. Câu hỏi này cho phép học sinh bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình miễn là có những lí giải phù hợp. Học sinh có thể đồng tình hay không đồng tình với quan điểm của người viết “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”.

Đề thi Ngữ văn - Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã hướng học sinh đến tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước, một tình cảm lớn có tính truyền thống trong đời sống tâm hồn người Việt. Đề thi rất hay và có tính phân hóa cao bởi đây là đoạn thơ hay, sâu sắc nhưng không dễ cảm nhận. Yêu cầu trình bày quan điểm của nhà thơ về đất nước phù hợp với học sinh khá, giỏi.

Nhìn chung đề thi Ngữ văn năm nay cơ bản, bám sát đề minh họa, bám sát chương trình Ngữ văn 12, có độ phân hóa cao, có tính giáo dục, tính nhân văn phù hợp với kì thi 2 mục đích: vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017.


Thạc sĩ Mã Bảo Hà, Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhận xét, đề thi năm nay so với kiến thức đã được học thì khá ổn và vừa sức thí sinh. Sẽ có nhiều em được điểm cao nếu có khả năng phân tích tốt. Đồng thời, với đề thi này, sẽ rất ít thí sinh bị điểm dưới trung bình.

Đề thi tuy đơn giản nhưng phát huy tư duy của học sinh, đòi hỏi sự chăm chỉ và liên hệ tốt. Cấu trúc đề có sự logic chặt chẽ ở phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội liên quan đến nhau, tạo thành tổng thể cho cả bài thi của học sinh.

Ở phần nghị luận, nội dung này các nhà trường đều hướng dẫn và ôn tập kỹ nên học sinh cũng không bỡ ngỡ và cảm thấy vừa sức, phân loại được đối tượng thi tốt nghiệp và xét vào Đại học.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (TP Hồ Chí Minh): Đề thi năm nay có thể đánh giá tổng quát gọn trong 3 từ - “Hay, mới, cập nhật”.

Ngữ liệu đọc hiểu rất hay. Việc chọn cuốn sách "Thiện, Ác và smartphone" của tác giả Đặng Hoàng Giang vào đề thi cho thấy người ra đề cập nhật rất nhanh những cuốn sách mới xuất bản gần đây. Đặc biệt, chọn nội dung "thấu cảm" làm bài đọc hiểu và nghị luận văn học giúp học sinh thể hiện được suy nghĩ, cảm nhận của mình với một vấn đề gần gũi trong cảm xúc: sự đồng cảm, sự sẻ chia, biết đặt mình vào cảm nhận của người khác.

 Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên Trường THPT Tháp Mười, Đồng Tháp cho biết, nội dung đề thi nằm trong chương trình Ngữ văn 12, không có tính chất đánh đố học sinh.

Phần đọc hiểu khá hay với văn bản nhật dụng bàn về sự thấu cảm của con người trong cuộc sống. Với bốn câu hỏi có tính chất phân hóa điểm rõ nét và có tính chất giáo dục đạo đức học sinh, phù hợp với tình hình xã hội khi một loạt vấn đề vô cảm đang diễn ra.

Câu hỏi nghị luận xã hội rõ ràng “ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống”. Vấn đề nghị luận không quá khó với học sinh. Tuy nhiên, nếu học sinh không có khả năng phân tích từ ngữ sẽ khó có bài làm sắc sảo vì từ “thấu cảm” là ghép giữa 2 từ: thấu hiểu và cảm thông (đồng cảm). Rõ hai khái niệm ấy học sinh sẽ dễ bàn luận về ý nghĩa của sự thấu cảm và bài viết mới có thể sâu sắc.

Câu nghị luận văn học không khó, thuộc kiểu đề cảm nhận đoạn thơ trong một tác phẩm thơ quen thuộc của chương trình. Tuy nhiên dạng đề này chưa có tính phân loại cao đối tượng học sinh khá giỏi. Qua ba lần đề minh họa từ Bộ GD&ĐT đều thuộc dạng đề bàn luận về ý kiến văn học qua một tác phẩm. Vì thế dạng đề cảm nhận về đoạn thơ đơn giản gây bất ngờ với thí sinh.

HOA HẠ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh