CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:08

Để thành công hãy "thoát nghèo" từ tư tưởng

Thời điểm cuối năm cũng là lúc ở các vùng nông thôn Việt Nam tiến hành bình xét hộ nghèo. Suốt bao lâu nay, không khí này chưa bao giờ hết “nóng” vì chẳng ít người sốt ruột muốn nhà mình lọt vào danh sách các hộ được xét duyệt. Ở quê tôi trước đây nhiều nhà còn cố làm đủ mọi cách để được là hộ nghèo, hoặc cùng lắm cũng phải được cận nghèo. Họ muốn được hưởng thêm các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ của nhà nước, dù thực chất gia cảnh không quá đỗi khó khăn.

Thèm được là hộ nghèo như vậy nên mới có chuyện hồi đầu năm 2019, người dân khu tôi sống kiên quyết không đồng ý sáp nhập vào đất của thị trấn theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương. Vì lên được thị trấn nghĩa là người ta ít có cơ hội được nghèo. Thế thì lấy đâu ra số hưởng “lộc” của nhà nước được nữa?!

Nhưng “chống đối” thế thôi, điều phù hợp và đúng đắn thì không thể không thực hiện. Sau đó ít lâu, xã tôi cũng được lên thị trấn. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chẳng có gì biến động, ngược lại có khi còn ổn định hơn trước. Vì lên đến thị trấn rồi, là bộ mặt của cả huyện, tới đây còn phấn đấu lên đến thị xã nữa, nên cơ sở hạ tầng cũng được chú ý, đầu tư hơn. Bể bơi, sân vận động, các trung tâm văn hóa, sân Golf,… đua nhau mọc lên.

Người ta nói với nhau chuyện bất động sản giờ có giá. 5m đất mặt đường giờ lên đến bạc tỷ. Họ bắt đầu thấy khoái vì được “làm dân thị trấn”. Nhưng cứ hễ động đến chuyện gì liên quan “tích cực” đến cuốn sổ hộ nghèo thì họ lại tắc lưỡi thở than.

Hóa ra cuốn sổ hộ nghèo vẫn cứ là lá bùa hộ mệnh mà ai cũng ao ước.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như đó chỉ là “đặc sản” của riêng địa phương tôi. Nhưng cực chẳng đã, nó lại là tâm ý đã ăn sâu vào nhu cầu làm giàu của kha khá người dân. Nhiều nơi, nhiều gia đình vẫn có tư tưởng phấn đấu “ngược” để được nghèo!

Để thành công hãy "thoát nghèo" từ tư tưởng - Ảnh 1.

Nếu nghèo, người ta sẽ được nhận ưu đãi, trợ cấp, chăm lo từ chính quyền. Những chính sách hỗ trợ, nâng đỡ nhân văn sẽ giúp cho các gia đình nghèo, những người bệnh tật, người già cô neo đơn,… có thêm cơ hội và tiềm lực vượt khó. Cũng vì những ưu tiên đó, người chưa thực sự khó khăn vẫn “khát” nghèo. Chạy chọt, kiện cáo để được nghèo… vẫn ngày một vẽ thêm những nét u ám trên bức tranh bối cảnh nông thôn ở Việt Nam hiện nay.

Cứ thế, nhiều người đã và đang duy trì thói quen sống của hộ nghèo, để được nghèo! Rồi cứ thế, người ta mãi quanh quẩn trong cuộc sống kiếm được và được hỗ trợ. Họ sợ được “thoát nghèo”. Đôi khi vì sợ ai đó nghĩ mình giàu, họ bùm rúm bản thân để được xứng với cái sổ hộ nghèo, tránh những điều tiếng, đố kị để vẫn “được duyệt nghèo” ở những lần bình xét về sau.

Nhưng may thay, cuộc sống vẫn luôn tồn tại những điều vượt ngoài sức tưởng tượng. Có những hoàn cảnh, con người khó khăn thật sự nhưng lại thật giàu tâm ý. Chuyện của cụ Tín, chị Nhi ở Nghệ An, cặp vợ chồng hai cụ già 90 tuổi Lương – Huệ ở Hà Tĩnh hay cụ Mơ ở Thanh Hóa suốt 2 năm trời cần mẫn đạp xe lên UBND xã xin “thoát nghèo” là những tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó… Quả thật khó khăn đói nghèo đôi khi chẳng đến từ vật chất. Khi người ta biết tự trọng, biết chấp nhận, biết soi chiếu, biết nỗ lực, họ sẽ tự khắc biết mình không thiếu thốn.

Đi từ trong cái nghèo, người ta tự có thêm trải nghiệm và sự đồng cảm với người nghèo. Những nhân vật mà tôi kể phía trên đều có chung quan điểm. Họ tự cho rằng mình lo được cho bản thân, trong khi bên cạnh họ có nhiều hoàn cảnh khó khăn gấp bội phần. Người ta có lòng nhường lại những phần ưu đãi, hỗ trợ của mình cho người khác. Như vậy cũng có nghĩa ngoài giàu tự trọng, giàu hiểu biết, giàu nghị lực, họ còn giàu tình thương!

Người Do Thái rất thành công trong chuyện “thoát nghèo“. Một trong nhiều nguyên tắc mà họ tôn sùng, tận dụng để làm giàu là “Phép kinh doanh buôn bán 78:22” – Tôi hay gọi đó là phép toán cho đi để nhận lại. Giả dụ nếu đưa ra câu hỏi “trên thế giới, người cho vay nhiều hay người vay nhiều?”. Nhiều người sẽ trả lời “người vay tiền nhiều”, nhưng với người Do Thái, người cho vay sẽ chiếm đa số. Do đó họ tự nhận thấy nam giới kiếm được 78% số tiền trên toàn thế giới thì phụ nữ sẽ tiêu tất thảy 78% số tiền đó trên toàn thế giới. Họ tận dụng nguyên lý này để tập trung vào đầu tư các dịch vụ ăn uống, thời trang,… phục vụ đối tượng phụ nữ và trẻ em – hai đối tượng được dùng (nhận hay “vay”) tiền của nam giới. Quy tắc cho – nhận được vận dụng triệt để, nhắm vào đối tượng “vay”, khai thác đối tượng “cho vay” để định hình giá trị mong muốn chia sẻ và được nhận lại. Và họ đã thành công thật! Cho đến giờ người Do Thái vẫn là bậc thầy về kỹ năng làm giàu.

Nếu con người sống và làm việc trên tinh thần cho đi để được nhận lại, chắc chắn sẽ nhận được giá trị lớn. Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, thương hiệu cá nhân từ việc cho đi đã được nâng lên một tầm cao mới. Rõ ràng theo thuyết làm giàu của người Do Thái, nếu chỉ chăm chăm nhắm vào những lợi ích đi vay mượn sẽ chẳng bao giờ giàu có hay thành công. Đối với kinh doanh, nếu tư duy luôn dưới nhận thức của một kẻ “nghèo”, thiếu thốn điều kiện thì giá trị của nó mang lại đương nhiên cũng tương xứng với sự nghèo nàn đó.

Những người luôn luôn ỷ lại, trông đợi vào sự trợ giúp của người khác, đương nhiên chẳng bao giờ thành công được. Ngược lại những người chủ động với cuộc sống, tự cho đi giá trị của mình chắc chắn sẽ thành công. Người như cụ Tín, cụ Mơ,… trước mắt đã được thoát nghèo từ tư tưởng. Sau đó là làm lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng. Và cứ thế họ giàu có từ tư tưởng, cuộc sống nhờ đó mà đỡ mệt mỏi, áp lực, o ép. Họ thanh thản vì đã chung tay giúp đỡ được nhiều người. Đời sống tinh thần cứ thoải mái như thế sẽ khiến họ sống khỏe hơn mỗi ngày.

Tôi luôn nghĩ cuộc sống có nhiều hướng mở, nhận được nhiều sự đồng lòng, ắt sẽ tạo ra sự cộng hưởng để đạt được nhiều thành công ở nhiều lĩnh vực. Nếu ích kỷ giữ mãi trong tư tưởng tư duy của những cái nghèo thì thật khó để thành công! Ví như việc ai đó cứ canh cánh bám rít vào cái sổ hộ nghèo mà không tự mình bứt lên với tư tưởng “thoát nghèo” e rằng khó mà thay đổi tương lai!

Theo HẢI ÂU/Tạp chí thương gia

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh