THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:48

Đề phòng trộm cắp tháng củ mật

Không chỉ trộm cắp tài sản, các đối tượng còn manh động giết người, gây ra thảm án như vụ án xảy ra ở thôn 4 xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất khiến 2 người trong một gia đình tử vong. Trước thực trạng này, bên cạnh sự đấu tranh của cơ quan công an thì ý thức nâng cao cảnh giác phòng ngừa của người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Công sở - miếng mồi ngon của tội phạm
Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra các vụ đột nhập cơ quan công sở để trộm cắp tài sản. Tại huyện Yên Bình (Yên Bái), vào rạng sáng 29/10, 5 phòng làm việc của UBND huyện Yên Bình đã bị kẻ gian bẻ khóa đột nhập vào trong và lấy đi gần 70 triệu đồng. Kẻ gian cũng đã đục 1 két sắt tại phòng LĐ-TB&XH huyện lấy đi hơn 60 triệu đồng, cạy khóa 1 tủ gỗ phòng Văn hóa Thông tin lấy đi 5 triệu đồng. Theo Công an tỉnh Yên Bái, trước đó vào cuối tháng 7/2015 kẻ gian cũng đã đột nhập, phá khóa tại 5 phòng làm việc của UBND huyện Văn Yên, lục soát và phá 3 két sắt lấy đi 160 triệu đồng và 12 chỉ vàng (loại 24K). 
Và liên tiếp các vụ án trộm cắp nơi công sở vẫn xảy ra hàng đêm. Chẳng hạn đêm ngày 7/11, kẻ gian đã đột nhập các cơ quan Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng LĐ-TB-XH, Phòng Kinh tế hạ tầng của UBND huyện Văn Quan (Lạng Sơn) phá két, lấy đi số tiền khoảng trên 1 tỷ đồng, trong đó có 500 triệu đồng tiền chế độ mà Phòng LĐ-TB-XH vừa rút ngân hàng chưa kịp phát. 
Phân tích phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đột nhập công sở trộm tài sản trong thời gian gần đây, có thể thấy đa số các vụ án xảy ra đều có yếu tố mất cảnh giác của các cơ quan công sở. Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng triệt để yếu tố này trong quá trình gây án. Có những vụ trộm, các đối tượng đã phá cửa, đột nhập phòng làm việc của cán bộ cao cấp và khoắng sạch tiền, tài sản để trong két sắt nhưng bảo vệ cơ quan không hề hay biết bởi nơi làm việc và khu vực bảo vệ phân thành từng khu riêng biệt, không có những thiết bị hỗ trợ phát hiện kẻ gian đột nhập như camera giám sát an ninh, còi, hoặc đèn báo động chống trộm. 
Lại có vụ việc kẻ gian sử dụng cả ô tô để chở tang vật rời khỏi hiện trường mà cũng không bị phát hiện. Những sơ hở trong công tác bảo vệ, phòng ngừa tội phạm được giải thích bằng các lý do tiết kiệm kinh phí, chưa thể trang bị được thiết bị bảo vệ. Nhiều lực lượng bảo vệ do không có kinh nghiệm chuyên môn nên đã không thể làm tròn trách nhiệm và để tội phạm lợi dụng hoạt động trộm cắp tài sản.
Các đối tượng đột nhập công sở để trộm cắp thường đi thành từng nhóm đến tiếp cận, quan sát mục tiêu. Sau đó chúng câu kết với người địa phương hoặc đóng giả người dân vào công sở để thám thính, nghiên cứu. Đặc biệt là để theo dõi hệ thống camera quan sát của các cơ quan và quy luật hoạt động của nhân viên, bảo vệ. 
Thêm một nguyên nhân khác cũng dẫn đến tình trạng công sở trở thành miếng mồi ngon của tội phạm đó là xuất phát từ ý thức chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, trường học.
Theo chỉ huy đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, trong quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự CATP Hà Nội đã tìm hiểu tại một số cơ quan để xảy ra tình trạng trộm đột nhập công sở và phát hiện trước khi ra về, cán bộ nhân viên một số nơi rất thiếu ý thức cảnh giác, không đóng cửa sổ, cửa ra vào, đặc biệt là những cửa thông tầng, cửa ra ban công các tầng… 
Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, để tội phạm dễ dàng đột nhập các cơ quan, công sở thực hiện hành vi phạm tội. Một thực tế nữa là các cửa phòng làm việc thường cấu tạo bằng kính, khóa bấm, vì thế, có vụ các đối tượng chỉ cần đấm vỡ một lỗ cửa kính là có thể thò tay vào mở chốt cửa, hoặc có vụ đối tượng đột nhập từ cửa sổ đằng sau vào phòng và có thể đàng hoàng mở cửa (chốt bấm) đi ra các phòng khác. Ngoài ra việc ghi biển tên chức danh, hoặc các phòng làm việc như kế toán, tài vụ… cũng là một điều kiện thuận lợi cho bọn đạo chích. Những kẻ đột nhập vào các cơ quan chỉ nhằm vào các phòng kế toán, tài vụ, hoặc các phòng có ghi chức danh bên ngoài để đột nhập vào lục soát các tài sản cá nhân.

Tinh thần nên cao cảnh giác của người dân vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa
 
Đủ các thủ đoạn trộm nhà dân
Vụ án mạng xảy ra vào rạng sáng ngày 7/12 ở thôn 4 xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất khiến 2 người trong một gia đình tử vong và 2 người khác bị thương là một lời cảnh bảo về tình hình phòng ngừa đối với tội phạm đột nhập để trộm cắp tài sản. Vụ việc xuất phát từ sơ hở của gia đình nạn nhân trong việc đảm bảo an ninh cho ngôi nhà đã tạo điều kiện cho hung thủ đột nhập vào nhà và sau đó gây ra án mạng thương tâm. Thực tế có thể thấy, thủ đoạn phạm tội của kẻ gian trong việc đột nhập để trộm cắp tài sản không có gì mới, nhưng các vụ án xảy ra vẫn khá nhiều. 
Các đối tượng gây án thường lợi dụng sơ hở của những gia đình đi làm vào ban ngày, nhà không có người trông coi, hoặc đêm tối, các gia đình ngủ say quên không đóng, khóa cửa ra vào ban công, cửa sổ, cửa tum… để tiếp cận và dùng công cụ chuyên nghiệp như kìm cộng lực, xà cầy, mỏ lết để cắt bẻ gẫy tai, móc khóa treo, cậy phá cánh cửa kính, phá khóa, phá song sắt cửa sổ, khung lắp quạt hút gió, phá hoa sắt cửa sổ, cửa tum… 
Đối với những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp chúng có thể sử dụng đèn khò cắt cửa kính để mở chốt cửa, đột nhập vào nhà, lục soát tìm kiếm tài sản, phá két sắt, phá tủ để trộm cắp tài sản. Phòng Cảnh sát Hình sự đã từng khám phá vụ việc đối tượng dùng thiết bị điện tử dò sóng mở khóa cửa cuốn đột nhập vào nhà, cửa hàng, lục soát trộm cắp tài sản. Thủ đoạn đơn giản hơn nhưng lại đạt hiệu quả đó là các đối tượng sử dụng gậy dài có keo dán ở đầu để dính lấy trộm điện thoại di động hoặc chìa khóa, sau đó mở cửa, đột nhập vào nhà, trộm cắp tài sản. 
Ngoài thời gian gây án “truyền thống” từ 23h đến 5h sáng, một số đối tượng còn lợi dụng thời gian chủ tài sản vắng nhà trong giờ hành chính để gây án, thường từ 9h đến 11h và từ 13h đến 17h. Tại Hà Nội, theo cảnh báo của phòng Cảnh sát hình sự, địa bàn đối tượng trộm đột nhập thường là các khu tập trung đông dân cư sinh sống, nhà có điều kiện về kinh tế… tập trung nhiều ở các quận nội thành như: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ…
Một điểm đáng lưu ý là các đối tượng đột nhập vào nhà đêm khuya thường lợi dụng địa hình vắng vẻ dễ tẩu thoát hặc lợi dụng các vật dụng tại chỗ như cây, cột điện, tường nhà hàng xóm, lỗ thông gió để leo trèo đột nhập vào nhà.
Theo cảnh báo của phòng Cảnh sát Hình sự, qua nhiều vụ trộm đột nhập đã cho thấy những sơ hở của các gia đình sử dụng cửa kính lõi thép hay cửa gỗ lắp ô kính. Điển hình là việc một nhóm trộm đã từng dùng đèn khò, khò nóng kính cường lực rồi hất nước lạnh vào mảng kính nóng tạo rạn nứt. Trước khi đập kính, các đối tượng này đã dán một lớp băng dính lên trên bề mặt kính, tránh mảnh vỡ gây động. 
Khác với bọn trộm vặt luôn lợi dụng sơ hở của nhà dân để ra tay thì đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp lại chọn các gia đình khá giả để đột nhập vào trộm tài sản có giá trị lớn với thủ đoạn tinh vi, hành vi của các đối tượng này cũng hết sức liều lĩnh, manh động. Để tránh bị phát hiện, bọn chúng có thể giết người. Trong những trường hợp phát hiện trộm đột nhập, người dân phải bình tĩnh xử lý, trong đó biện pháp đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho chính mình, sau đó liên lạc với cơ quan công an nơi gần nhất.

Lời cảnh tỉnh với các tiệm vàng
Dịp cuối năm thường là thời điểm tội phạm trộm cắp tài sản tại các cửa hàng, ki ốt gia tăng, có nhiều diễn biến phức tạp, phát sinh những thủ đoạn mới. Trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều vụ giết người cướp tài sản tại tiệm vàng rất dã man xảy ra ở một số địa phương khiến dư luận không khỏi hoang mang. Khi bị phát hiện và truy đuổi hung thủ thường ra tay rất tàn ác, bất chấp hậu quả đau thương cho nạn nhân và gia đình họ. 
Trước tình hình đó, cơ quan công an đã tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý… triển khai các biện pháp phòng ngừa như: Lắp đặt thiết bị báo động, giám sát, kính 3 lớp chống trộm; có bảng chỉ dẫn hướng dẫn cho nhân viên, người nhà gọi cho cơ quan công an trong trường hợp khẩn cấp; mời cơ quan công an sở tại kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn...  
Đồng thời cơ quan công an cũng khuyến cáo các cơ sở kinh doanh không nên trưng bày nhiều vàng bạc, đá quý tại các cửa hàng; hạn chế kinh doanh vào buổi trưa và sau 18h; bố trí lực lượng bảo vệ, dự kiến các tình huống có thể xảy ra để bố trí phương án xử lý thích hợp. 
Theo phân tích của các trinh sát điều tra những vụ án trộm đột nhập những tiệm vàng, trước khi gây án, tội phạm thường có quá trình theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động của “mục tiêu” định nhằm vào trộm cắp. Dù nhiều cửa hàng đã có hệ thống camera an ninh tuy nhiên những đối tượng tội phạm đã “định vị” nơi lắp đặt camera và làm vô hiệu hóa tác dụng của phương tiện này trước khi gây án.
Trong nhiều vụ án, khi đột nhập vào các tiệm vàng kẻ gian thậm chí  còn “không thèm” vô hiệu hóa camera mà đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai và thản nhiên lục soát, lấy cắp lượng vàng trong tủ. Mặc dù camera của gia chủ chỉ ghi lại được hình dáng tên trộm, song những hình ảnh này không đủ để phục vụ công tác điều tra, truy bắt. 
Một điểm đáng lưu ý là dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng ý thức cảnh giác của nhiều hộ gia đình, chủ cửa hàng kinh doanh còn thấp nên không có các biện pháp phòng ngừa trộm cắp. Nhiều tiệm vàng ở vùng quê lâu nay vẫn xem nhẹ việc trang bị các thiết bị bảo đảm an toàn cho tài sản của mình. Khá nhiều tiệm vàng nhỏ khi được hỏi về việc lắp đặt thiết bị an ninh cũng như thuê người bảo vệ, đều cho rằng không cần thiết. 

Không thể chủ quan
Theo dự báo của phòng Cảnh sát Hình sự, trong thời gian cuối năm vào dịp “tháng củ mật”, tình hình tội phạm đột nhập để trộm cắp tài sản sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn; xuất hiện các nhóm tội phạm trộm cắp có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tội phạm mới sử dụng công nghệ cao để trộm cắp; hậu quả, tài sản thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. 
Để phòng chống trộm cắp, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng, tự bảo quản tài sản, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Lực lượng cảnh sát khu vực, dân phòng… cần phải bám trụ địa bàn và hoạt động tuần tra, canh gác thường xuyên hơn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ trộm cắp. 
Để phòng ngừa trộm đột nhập về đêm, cơ quan công an khuyến cáo, trước khi đi ngủ, người dân phải khóa cửa tum, cửa ban công. Ban công các tầng nhà nên lắp “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên lưu ý khi làm hãy yêu cầu thợ để cửa phụ để phòng khi gặp hỏa hoạn. Với các gia đình sống trong biệt thự nên thuê bảo vệ, lắp hệ thống chống trộm bằng tia hồng ngoại. Người dân cũng có thể lắp đèn cảm ứng quanh nhà, khi ngủ bật lên, nếu có người lạ xâm nhập, đèn sẽ bật sáng, trộm do vậy có thể sợ bỏ đi. 
Đối với các cơ quan, và trường học, lực lượng bảo vệ cần tăng cường tuần tra vào ban đêm, chú ý những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết. Phòng thủ quỹ, kế toán không nên để số lượng tiền lớn trong két qua đêm. Các cơ quan, công sở, trường học phải gia cố cổng, cửa và lắp đặt các thiết bị cảnh giới, báo động để kịp thời phát hiện đối tượng gây án. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn, phải tìm mọi cách báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời có phương án giải quyết. 
Đối với các cửa hàng buôn bán những mặt hàng có giá trị cao như vàng hoặc các kim loại quý, ngoài việc bố trí bảo vệ đêm, hệ thống cửa cũng cần được gia cố. Camera theo dõi cần phải bố trí hợp lý, tích hợp với hệ thống chuông báo động... Các chủ doanh nghiệp, tiệm vàng cần phải nâng cao cảnh giác, nhất là theo dõi sát các đối tượng có dấu hiệu khả nghi trà trộn vào để thực hiện việc khảo sát cho hành vi trộm cắp. 

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội, kẻ trộm đột nhập ngày càng có xu hướng hoạt động mạnh ở các địa bàn ngoại thành, vùng ven, giáp ranh, bởi đây là địa bàn tội phạm dễ bề tẩu thoát. Để phòng ngừa trộm đột nhập thì việc đẩy mạnh tuần tra kiểm soát ban đêm, kết hợp giữa lực lượng của công an cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã và các lực lượng của CATP như lực lượng liên ngành 141, cảnh sát cơ động là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa nạn trộm cắp. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác.        
                           
Phòng Cảnh sát hình sự gợi ý một số kỹ năng ứng phó, đối mặt khi phát hiện trộm đột nhập vào nhà
* Không nên một mình đánh lại trộm vì nhiều tên sẽ mang hung khí gây nguy hiểm. Hãy vào phóng kín, khóa chặt cửa, gọi báo công an, người thân hoặc hô hoán hàng xóm đến ứng cứu.

* Trường hợp đi làm về nhà, hay trong đêm ngủ dậy phát hiện nơi ở có dấu hiệu bị lục lọi, nghi vấn đột nhập, đừng chạy đi tìm, lùng sục bắt trộm. Hãy bình tĩnh, báo cho người nhà để cùng trốn vào một phòng, khóa chặt cửa rồi gọi báo công an, người thân, hàng xóm hỗ trợ. Nếu có đông người, hãy tìm những vật dụng có thể tấn công, bắt trộm.
* Khi bị trộm khống chế, cần làm theo yêu cầu của chúng, bình tĩnh, cố gắng nhớ nét mặt, nghe giọng nói, đặc điểm riêng để phục vụ điều tra.
*  Không nên tiếc tài sản mà kháng cự kẻ trộm có hung khí, vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. 
* Nếu nghi ngờ trộm là người quen, đừng chủ động gọi tên vì tội phạm có thể sinh tâm lý giết người diệt khẩu. 
* Hạn chế cho người lạ, không thân thích ngủ trong nhà. Trường hợp bất khả kháng, hãy cho họ thấy sự xuất hiện của của mình được nhiều người khác biết đến. Trước mặt họ, hãy mời hàng xóm sang nhà chơi, gọi điện báo cho người thân biết về việc.

Theo An ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh