Để người sau cai tránh xa tệ nạn xã hội, hoà nhập cộng đồng
- Dược liệu
- 15:08 - 02/12/2023
Theo đó, học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tập trung đều được các địa phương trên địa bàn thành phố phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất. UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện để người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.
Tại quận Thanh Khê, công tác tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Qua đó, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước cũng như quy định các chính sách đặc thù phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Trong đó, công tác dự phòng nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy được quận đặc biệt chú trọng.
Thông qua các buổi tổ chức đối thoại, tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm, học nghề, hỗ trợ phương tiện sinh kế làm ăn... đã giúp người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn quận tránh xa tệ nạn xã hội.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, toàn quận đã hỗ trợ sinh kế, học nghề và tạo việc làm, giúp họ ổn định, vươn lên trong cuộc sống cho 122 người có nguy cơ cao nghiện ma túy, người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và người chấp hành quản lý sau cai nghiện.
Còn tại quận Hải Châu, UBND các phường duy trì hoạt động của câu lạc bộ sau cai, sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Qua các buổi sinh hoạt, UBND phường đối thoại với các đối tượng để nắm bắt tình hình kinh tế gia đình, việc làm và nhu cầu hỗ trợ phương tiện sinh kế làm ăn…
Đặc biệt, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy và từng bước can thiệp, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy không tiếp tục sử dụng ma túy; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện trên địa bàn, quận Hải Châu còn tổ chức cho thanh thiếu niên hư, người sau cai nghiện ma túy tham quan thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3.
Thông qua các chuyến tham quan thực tế này nhằm nâng cao nhận thức của các trường hợp từng bị xử lý vi phạm hành chính về ma túy và thanh thiếu niên hư có biểu hiện vi phạm pháp luật hiểu rõ những tác hại, hậu quả của việc sử dụng lại ma túy, nhận thấy được những khó khăn, vất vả trong việc điều trị, cai nghiện ma túy và ý thức giá trị của cuộc sống... Từ đó, giúp họ quyết tâm từ bỏ ma túy, tự giác thay đổi cách sống, tránh xa nguy cơ phạm pháp và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý, phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Theo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng), toàn thành phố hiện có 460 người đang quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú, trong đó có hơn 300 người có việc làm, chiếm 65,6%.
Cùng với những cách làm hay, mô hình phù hợp hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý ở các địa phương, những năm qua để động viên, khuyến khích người sau cai nghiện ma tuý tránh xa tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống, TP Đà Nẵng còn thực hiện hỗ trợ người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ người.
Hằng năm, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều chỉ đạo UBND xã, phường tiến hành rà soát và lập danh sách người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện ma túy; Công an tiến hành thử test và tham mưu Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã, phường tiến hành họp xét từng trường hợp; các trường hợp địa phương đánh giá tốt thì được hướng dẫn làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.
Năm 2023, thành phố đã hỗ trợ cho 25 người, thuộc các quận Hải Châu: 12 người; Thanh Khê: 5 người; Cẩm Lệ: 3 người; Liên Chiểu: 2 người và huyện Hoà Vang: 3 người.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, trước đó năm 2022, thành phố cũng đã phê duyệt hỗ trợ 18 người đủ 5 năm trở lên không tái nghiện ma túy. Qua kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, kết quả có 17/18 người có trong danh sách được nhận hỗ trợ, 1 người không được hỗ trợ do sử dụng lại chất ma túy, đã trả lại kinh phí cho ngân sách. Trong đó, có 16/17 người được nhận hỗ trợ (tỷ lệ 94%) không sử dụng lại ma túy, 1 người đang bị nghi ngờ sử dụng trái phép chất ma túy.
Đến nay, hầu hết các đối tượng đều sử dụng đúng mục đích kinh phí hỗ trợ để học nghề, làm nghề, ổn định việc làm, chăm lo gia đình, vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của mình, có ý thức chấp hành các quy định của địa phương...