Đề Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 TP Hồ Chí Minh: Truyền tải thông điệp về giá trị của sự lắng nghe
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:45 - 16/07/2020
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 của Sở GD&Đ TP Hồ Chí Minh.
Nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 của Sở GD&Đ TP Hồ Chí Minh, các giáo viên tại Tổ Ngữ văn - Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Tiếp nối quan điểm cách tân về nội dung các đề thi từ năm học 2018-2019, với chủ đề "Lắng nghe", đề thi vào 10 của TP Chí Minh năm 2020 bám rất sát với những biến động của tình hình thế giới và Việt Nam trong thời gian qua – đại dịch Covid-19. Nội dung các câu hỏi tạo điều kiện để thí sinh có thể tự do trình bày được quan điểm của cá nhân xoay quanh mạch chủ đề tư tưởng của đề thi nhưng vẫn có thể đánh giá, phân loại được trình độ, năng lực của các thí sinh, bám sát yêu cầu của Công văn tinh giản, giảm tải mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngày 31/3/2020.
Hình thức thể hiện đề thi, cấu trúc và barem điểm vẫn giữ nguyên với 3 câu hỏi được phân bổ điểm theo tỉ lệ 3/3/4. Trong đó, câu hỏi thứ 3 (4,0 điểm) luôn có 2 lựa chọn cho thí sinh. Cụ thể nhận định về từng câu như sau:
Câu I (3,0 điểm): Đây là câu hỏi thuộc dạng bài đọc - hiểu văn bản. Ngữ liệu của bài là văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9 (Thông tin tổng hợp từ báo Thanh niên và Tuổi trẻ) và xoay quanh chủ đề về "Dịch bệnh COVID-19", về những thách thức và cơ hội mà dịch bệnh này đem lại. Đây là một ngữ liệu mang tính thời sự, cung cấp góc nhìn mới mẻ, thú vị, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Đi theo ngữ liệu bao gồm 4 câu hỏi nhỏ nhằm kiểm tra về mặt nội dung của văn bản và kiến thức tiếng Việt. Đồng thời câu hỏi cuối cùng là cơ hội để học sinh đưa ra quan điểm của bản thân, xoay quanh chủ đề "Lắng nghe".
Câu II (3 điểm): Là câu hỏi yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận xã hội để trả lời vấn đề xoay quanh câu hỏi "Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương?". Để hoàn thành được câu hỏi này, học sinh phải đưa ra và bảo vệ được quan điểm của bản thân bằng những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. So với đề thi năm 2019, cách đặt vấn đề của câu nghị luận xã hội năm nay có sự thay đổi, không sử dụng kênh hình để nêu tình huống mà đưa ra vấn đề một cách trực tiếp. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của câu hỏi vẫn giữ tính mở để học sinh tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của bản thân.
Câu III (4,0 điểm): Là câu nghị luận văn học, thí sinh lựa chọn một trong hai đề hoàn thành yêu cầu của đề bài dựa trên ngữ liệu chung cho cả hai đề. Ngữ liệu đưa ra ba thông điệp gắn với ba tác phẩm văn học (Ánh trăng, Bếp lửa, Mùa xuân nho nhỏ) có mối liên hệ chặt chẽ: mỗi người – gia đình – xã hội. Đây là ba thông điệp trọng tâm của từng tác phẩm, đồng thời cũng là những vấn đề có tính thực tiễn, gần gũi với bản thân của mỗi con người.
Đề 1: Là câu hỏi thuộc dạng nghị luận văn học tương đối cơ bản. Học sinh chọn một trong ba thông điệp và viết bài văn trình bày cảm nhận của mình về thông điệp đó. Đề 1 có một ý hỏi nâng cao yêu cầu học sinh liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà mình lựa chọn.
Đề 2: Là đề nghị luận văn học ở mức độ khó hơn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về lí luận văn học cũng như phải huy động được những trải nghiệm của mình trong quá trình đọc và học tác phẩm văn học để làm rõ được chức năng nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và vai trò của văn học đối với mỗi con người. Học sinh sẽ viết bài văn với nhan đề : "Lắng nghe tác phẩm – Hiểu về cuộc sống".
Nhìn chung: Đề thi được đánh giá tương đối nhẹ nhàng, ngữ liệu hay, có tính thời sự và gắn với thực tế đặc biệt là hướng tới cách ứng xử đẹp, tích cực của con người trong xã hội, đặc biệt là trong thời điểm thế giới vẫn đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đề thi vẫn có "đất diễn" dành riêng cho những học sinh giỏi môn Văn.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đây là một đề thi rất hay, nhẹ nhàng và sâu sắc nhưng vẫn đảm bảo được sự phân hóa: Có một chủ đề xuyên suốt toàn bộ đề thi: "Lắng nghe": Mới mẻ, sáng tạo và thú vị , phù hợp với bối cảnh dạy và học hiện đại. Cho thấy sự thống nhất về tư duy. Lắng nghe – thay đổi, lắng nghe – yêu thương, lắng nghe – hiểu biết.
Đoạn văn đọc hiểu: Cấu trúc: Câu a, b là nhận biết, câu c là thông hiểu, câu d là vận dụng thấp.
Cấu trúc nghị luận xã hội có thay đổi, không đặt ra sự lựa chọn, nhưng vẫn mang tính gợi mở cao "Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương". Câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc, vừa phù hợp với lứa tuổi, vừa có độ phân hóa. Hiếm có đề thi văn nào bao quát cả hai tiêu chí trên như đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.
Với bối cảnh dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học gần 3 tháng, giải pháp cho học sinh được chọn mảng nghị luận văn học là hợp lí. Từ việc "lắng nghe thông điệp trong tác phẩm", các đoạn thơ được chọn là những thông điệp khác nhau và có tính khái quát cao: Từ cá nhân, gia đình đến xã hội. Điều này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích, nhận định đề tốt.