Đề nghị tuyên tổng cộng 61 năm tù đối với các bị cáo
- Pháp luật
- 16:58 - 27/10/2015
Các bị cáo gồm: Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái, Phạm Quang Duy, Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu.
Theo cáo trạng, tháng 10/2008, Bộ GTVT phê duyệt Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1). Theo đó, chủ đầu tư dự án được giao cho Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (viết tắt là RPMU). Kèm theo quyết định này, ông Phạm Hải Bằng được giao chức trách Chủ nhiệm dự án. Với nhiệm vụ mới, ông Bằng có thẩm quyền là đầu mối quản lý toàn bộ lĩnh vực liên quan đến quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án.
Để thuận lợi cho việc triển khai dự án, tháng 9/2009, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên danh do Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (viết tắt JTC) đứng đầu. Hợp đồng này được định giá hơn 2,9 tỷ Yên Nhật Bản, cùng với hơn 320 tỷ đồng.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Kế đó, từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng đã trực tiếp thoả thuận với đại diện nhà thầu JTC, với mong muốn JTC hỗ trợ cho RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án. Ngay sau khi được “gợi ý”, phía JTC đã nhận lời và chuyển cho Bằng cùng các đồng phạm liên quan 11 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, số tiền trên đã được “chuyển hoá” vào các hạng mục tiếp khách, hiếu hỉ, đi lại, làm ngoài giờ.
Tại tòa, bị cáo Bằng khai, trong quá trình triển khai, phía ban quản lý dự án có họp với JTC để triển khai công việc liên quan, bàn về nội dung cụ thể của gói thầu. Hai bên có nêu khó khăn thuận lợi có thể xảy ra. Bên tư vấn trình bày rằng, liên quan đến báo cáo, hội thảo tư vấn không có kinh nghiệm về các thủ tục của Việt Nam nên có ý “nhờ vả” ban dự án lo giúp. Nói về khoản kinh phí 3 triệu Yên Nhật trong lễ ký kết hợp đồng, Bằng cho biết, đấy là ý kiến của đối tác, vì họ muốn có một lễ ký hợp đồng quy mô để lấy tiếng.
Còn lời khai của phía Nhật Bản cho rằng: “Nếu từ chối yêu cầu đưa hối lộ, ông Bằng là người có quyền cao đến mức như vậy thì đừng nói đến việc tham gia đàm phán hợp đồng, có thể không thỏa thuận được các điều khoản về giá trị hợp đồng hay các điều kiện của hợp đồng ký kết, hoặc hợp đồng sẽ bị kéo dài...”.
Tuy nhiên, bị cáo Bằng phủ nhận và cho rằng không đề nghị phía đối tác đưa tiền. Đối với việc chuyển tiền cho các lãnh đạo, Bằng khai nhận: Bằng chuyển 100 triệu đồng cho Trần Văn Lục. Chuyển 30 triệu đồng cho Trần Quốc Đông. Chuyển 50 triệu đồng cho Nguyễn Văn Hiếu, nhưng tại tòa, bị cáo Hiếu phủ nhận.
Bị cáo Thái cho biết chỉ nhận tiền gián tiếp của JTC từ Phạm Hải Bằng. Còn bị cáo Phạm Quang Duy khẳng định nhận một lần trực tiếp từ phía đối tác Nhật Bản số tiền 3 triệu Yên, sau đó ra phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đổi sang tiền VNĐ để tổ chức lễ ký kết hợp đồng.
Với những hành vi nêu trên, VKS cho rằng hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, làm đình trệ tiến độ của dự án, xâm phạm lợi ích quốc gia, làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, làm xấu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. VKS khẳng định, cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Với những lập luận trên, VKS đề nghị:
Phạm Hải Bằng bị đề nghị từ 11-13 năm tù giam, phải nộp hơn 3,6 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; Nguyễn Nam Thái bị đề nghị từ 10-12 năm tù giam, phải nộp hơn 2,8 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù giam, phải nộp hơn 2,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; Trần Văn Lục bị đề nghị mức án từ 6-8 năm tù giam; Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam, số tiền 30 triệu đã nộp, VKS đề nghị bổ sung công quỹ; đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam, buộc bị cáo phải nộp 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính. Ngoài ra, VKS đề nghị tòa kê biên tài sản của Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để đảm bảo công tác thi hành án.
Ngày 27/10, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Đây là 1 trong 8 vụ đại án được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo xét xử trước Đại hội lần thứ XII của Đảng nên được dư luận đặc biệt quan tâm. |