Đề minh họa vừa sức, học sinh ráo riết ôn thi
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:08 - 07/12/2018
Học sinh ôn tập trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sáng 6-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2019. Nhiều giáo viên nhận định đề thi năm 2019 ở các môn đều có sự hài hòa và vừa sức hơn năm 2018.
Đề toán giảm độ khó
Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ toán - Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), nhận xét ở môn toán, cấu trúc đề thi năm nay đúng như tinh thần ra đề mà Bộ GD-ĐT đã công bố, đó là chủ yếu ở chương trình lớp 12. Theo thầy Thịnh, nhìn qua đề thi minh họa, có 4 câu hỏi thuộc chương trình toán lớp 11, 1 ý nhỏ thuộc chương trình lớp 10. Như vậy, khối lượng kiến thức lớp 10, 11 chiếm khoảng 10% đề thi, tương đương 1 điểm trong tổng điểm bài thi.
Thầy Thịnh cho biết với đề thi minh họa như trên, Bộ GD-ĐT cũng sắp xếp mức độ các câu hỏi từ dễ đến khó. Mức độ đề thi như đề minh họa sẽ đáp ứng tốt khâu xét tốt nghiệp nhưng ở khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sẽ khó vì đề dễ. Những học sinh khá, giỏi lại phải càng nỗ lực hơn nữa để vào các trường ĐH tốp đầu vì điểm sẽ cao.
Thầy Nguyễn Quốc Chí, Trung tâm Tuyển sinh 247.com, cho rằng đề thi toán năm nay không khó hơn năm trước, hợp lý hơn nhiều về kiến thức và phân bố thời gian hợp lý để thí sinh làm bài. "Đề năm nay phân hóa rõ ràng từ câu hỏi số 40. 30 câu đầu tiên bao trọn kiến thức cơ bản của môn toán THPT, học sinh trung bình có khả năng đạt 60% điểm bài thi một cách không khó khăn" - thầy Chí nhận định.
Giáo viên này cho hay những câu hỏi toán thực tế vẫn xuất hiện trong đề thi. Đây là xu hướng học sinh nên đón nhận vì trước đây, môn toán khá khô khan nhưng từ khi thi trắc nghiệm, đề đã hay hơn. Đề thi này sẽ phân hóa tốt giữa nhóm học sinh trung bình khá và giỏi. Tuy nhiên, để tìm ra những học sinh thật sự xuất sắc thì nhóm 5 câu cuối hoàn toàn có thể nâng độ khó thêm chút nữa.
Cố gắng nhiều mới đạt điểm khá, giỏi
Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), đánh giá đề thi minh họa môn ngữ văn hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, thí sinh cần cố gắng hơn rất nhiều mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.
Theo cô Thu Phương, với đề thi này, thí sinh muốn làm tốt không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học mà còn cần phải tư duy tổng hợp để bài viết chính xác và phong phú. Một phần quan trọng nữa là thí sinh cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Phần đọc hiểu cần dành 20 phút để làm, câu 1 phần làm văn cần dùng 20 phút và câu nghị luận văn học nên dành 80 phút.
Với môn vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhận xét đề minh họa không còn "đánh đố" thí sinh bởi sự khó khăn về toán học hay mất thời gian dài để giải. Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy vật lý sâu sắc như: kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị (câu 34, câu 38 về dao động cơ và dòng điện xoay chiều), câu hỏi thí nghiệm (câu 24). Tuy nhiên, vẫn có những câu đòi hỏi thí sinh phải tính ra kết quả cuối cùng mới chọn được đáp án đúng (gần nhất).
Trong khi đó, nhận xét về đề thi địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), đánh giá từ câu hỏi số 65 trở đi, đòi hỏi thí sinh ngoài việc ghi nhớ kiến thức còn phải thấy được sự liên hệ giữa các đối tượng địa lý để có thể nắm bắt ý nghĩa, vận dụng giải thích và tìm ra giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề địa lý được nêu. So với đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2018, đề minh họa 2019 vừa sức hơn với thí sinh có lực học trung bình và khá; những em giỏi có thể đạt điểm 9 trở lên.
Cấu trúc đề không đổi
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), cho biết nhìn vào cấu trúc đề thi minh họa của bộ thì thấy rõ nhất là không thay đổi so với các năm trước đây. Chính vì thế, kế hoạch ôn tập cho học sinh của trường sẽ không xáo trộn. Theo ông Phú, ngay từ đầu năm, trường đã có kế hoạch phân loại, ôn tập cụ thể cho từng nhóm đối tượng học sinh.
Theo ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP HCM), trường có gần 600 học sinh khối 12, trong đó theo khảo sát có tới 2/3 học sinh chọn bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia. Trường sẽ tăng cường ôn tập cho học sinh từ học kỳ II. Cụ thể, sẽ tăng lên 2 tiết/tuần ôn tập các môn xã hội cho học sinh, đồng thời có giải pháp phụ đạo cho những em còn yếu. "Trường cũng yêu cầu giáo viên sàng lọc, nghiên cứu, phụ đạo cho từng em nếu em đó yếu kém" - ông Đảo nói.