Để không trượt “oan” tốt nghiệp, thí sinh phải lưu ý những điểm sau
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:12 - 08/04/2017
Nếu không nắm vững những lưu ý cần thiết, thí sinh sẽ dễ trượt “oan” tốt nghiệp trong kỳ thi sắp tới.
Để giúp thí sinh có kết quả tốt và tránh trượt “oan” trong kỳ thi sắp tới, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM đã chia sẻ những lưu ý với thí sinh khi đăng ký dự thi và khi làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH).
Ông Cường cho biết, theo Bộ GD&ĐT, bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần. Bài KHTN gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Bài KHXH gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công (dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT); tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần đăng ký môn thi tự chọn KHTN hay KHXH dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX). Thí sinh làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp KHTN/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.
“Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài”, ông Cường nói.
Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo (ví dụ thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học). “Như vậy, thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng. Thí sinh cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”, ông Cường nói.
Đặc biệt, ông Cường lưu ý việc cho phép đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp để khuyến khích học sinh học toàn diện hơn, tạo nhiều cơ hội trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên thí sinh đã đăng ký dự thi bài tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó.
“Tuy nhiên, việc không dự thi sẽ được coi là bỏ bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp, vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy nếu thí sinh đăng ký cả 2 bài thi KHTN và KHXH buộc phải làm hết tất cả các môn thành phần trong cả 2 bài thi ( 6 môn)”, ông Cường lưu ý.