THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:54

Đề án 1019: Hơn 15 nghìn người khuyết tật được dạy nghề

Đề án 1019: Hơn 15 nghìn người khuyết tật được dạy nghề - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Khoảng 70-80% người khuyết tật có việc làm sau học nghề

Đánh giá 7 năm thực hiện công tác dạy nghề cho NKT (giai đoạn 2013 - 2019), ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam cho biết, thực hiện đề án 1019 về trợ giúp NKT, thời gian qua Hội triển khai hoạt động dạy nghề cho NKT qua hai phương thức, đó là phối hợp với Sở LĐ-TB&XH trong công tác tuyển sinh NKT; trực tiếp tổ chức mở các lớp dạy nghề cho NKT từ nguồn kinh phí của Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn do Bộ LĐ-TB&XH phân bổ. Theo đó, nghề đào tạo cho NKT chủ yếu là các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ như: May công nghiệp, đan, thêu, móc, mộc dân dụng, tranh đá quý, làm chổi đót, chăn nuôi gia súc, gia cầm… phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật, làm việc tĩnh tại ít phải di chuyển, học xong có việc làm ngay.

Đề án 1019: Hơn 15 nghìn người khuyết tật được dạy nghề - Ảnh 2.

Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam cho biết, từ năm 2013 - 2019, các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 15.545 NKT.

Từ năm 2013 - 2019, các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 15.545 NKT, kinh phí thực hiện: 65.7 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách nhà nước 52.56 tỷ đồng (80%); ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp của tổ chức, cá nhân 13.14 tỷ đồng (20%). Bình quân chung, tỷ lệ có việc làm sau học nghề của NKT đạt khoảng 70-80%. Riêng năm 2015, Hội được hỗ trợ kinh phí từ chương trình, với 4,8 tỷ đồng từ ngân sách cùng với 411 triệu đồng vận động được, Hội đã tổ chức 51 lớp dạy nghề cho 931 NKT, sau khi học xong, 843/931 người có việc làm ngay đạt trên 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ NKT được học nghề, có việc làm mới chỉ đạt khoảng 40% so với số NKT có nhu cầu học nghề và việc làm. Tính ổn định, bền vững của việc làm thấp do phụ thuộc nhiều yếu tố thị trường bởi phần lớn là các nghề thủ công; gia công; thu nhập thấp, chỉ giao động từ 1-3 triệu đồng/tháng.

"Qua nhiều năm cho thấy các mô hình dạy nghề tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các hợp tác xã theo phương thức truyền nghề, dạy nghề để tuyển vào làm việc hoặc giao sản phẩm để NKT gia công rồi bao tiêu sản phẩm, dạy nghề gắn với việc làm theo các dự án tạo sinh kế tại gia đình phù hợp và hiệu quả hơn, tỷ lệ có việc làm cao hơn, ổn định hơn so với mô hình NKT đi học nghề tại các trường, các trung tâm sau đó tự đi tìm việc làm", ông Lương Phan Cừ cho hay.

Đề án 1019: Hơn 15 nghìn người khuyết tật được dạy nghề - Ảnh 3.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam: Công tác dạy nghề, giúp NKT có việc làm, có thu nhập, có cơ hội được hòa nhập vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống.

Báo cáo về kết quả thực hiện Đề án 1019 về trợ giúp NKT (giai đoạn 2012 - 2020), ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam cho biết, trong những năm qua (2012 - 2019), Hội đã thực hiện Đề án thông qua 8 hoạt động chính, đó là, trợ giúp về y tế, phẫu thuật và cung cấp các dụng cụ trợ giúp; tiếp cận giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho NKT; tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng; pháp lý cho NKT; tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ NKT trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát đánh giá. Qua đó, giúp NKT phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe, tự chủ trong sinh hoạt, tham gia lao động, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng; hàng trăm ngàn trẻ khuyết tật, mồ côi có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học, đã có điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Công tác dạy nghề, giúp NKT có việc làm, có thu nhập, có cơ hội được hòa nhập vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống…

Tiếp tục phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021- 2030

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, theo ông Lương Phan Cừ, công tác dạy nghề cho NKT cũng còn một số khó khăn, hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi như: Công tác tuyên truyền phổ biến luật pháp, chính sách, cơ chế hỗ trợ dạy nghề cho NKT còn hẹp, chưa sâu rộng và chưa phù hợp nên một bộ phận các cở sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT cũng như bản thân, gia đình NKT nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc chưa biết, chưa tham gia; ở không ít địa phương, công tác này chưa được quan tâm triển khai nên NKT chưa tiếp cận được chính sách.

Đề án 1019: Hơn 15 nghìn người khuyết tật được dạy nghề - Ảnh 4.

Hội nghị tổng kết hoạt động Hội năm 2019, đánh giá 7 năm công tác dạy nghề và kết quả thực hiện Đề án 1019.

Trình độ học vấn của NKT nhìn chung còn thấp và không đều, nhiều người không biết chữ, khả năng tiếp thu hạn chế do đó nếu học hòa nhập với người bình thường, cùng chung giáo trình, cùng thời gian là không phù hợp; Trong khi hiện tại ở các trường, các trung tâm giáo dục - dạy nghề chưa có giáo trình khung các nghề dạy cho họ. Các trung tâm dạy nghề cho NKT thuộc Sở LĐ-TB&XH, Hội Bảo trợ NKT và TMC, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội người mù… là những cơ sở đã được thành lập nhiều năm, hoạt động dạy nghề cho NKT rất hiệu quả nhưng nay cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp, giáo trình cũ kỹ lạc hậu.

Bên cạnh đó, hầu hết các cở sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, qui mô 5 - 10 lao động do những người có nghề và có tâm làm từ thiện tổ chức ra để kèm nghề, truyền nghề, tạo công ăn việc làm cho NKT nhưng chủ cơ sở cũng như NKT chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ dạy nghề, học nghề cho NKT do họ còn thiếu các điều kiện như đăng ký kinh doanh, người có chứng chỉ dạy nghề, kèm nghề, giáo trình dạy nghề theo quy định.Công tác tư vấn cho NKT về chọn nghề, học nghề chưa tốt, khả năng tiếp thu lại hạn chế nên nhiều người hết khóa học cũng chưa thành nghề hoặc nghề học không phù hợp, học xong không có việc làm cũng làm giảm quyết tâm của một bộ phận NKT.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021- 2030 và tiếp tục phân công trách nhiệm cho Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai thực hiện Đề án, để có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng và dựa trên kết quả hoạt động của Hội. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt riêng một chương trình mục tiêu dạy nghề và việc làm cho NKT giai đoạn 2021-2025, để thực hiện có hiệu quả Công ước về quyền của NKT và Luật NKT. Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và NHNN bổ sung đối tượng NKT sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu tự tạo việc làm tại gia đình được vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội như đối tượng hộ nghèo.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh