THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:33

Bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ để có thêm thu nhập

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khẳng định, việc làm thêm giờ trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định, hoàn toàn người lao động tự nguyện chứ không bắt buộc 


Việc làm thêm giờ là tự nguyện

Chiều ngày 12/6, thảo luận tại hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi), liên quan đến tăng giờ làm thêm, nhiều đại biểu tán đồng với phương án tăng giờ làm thêm mà Chính phủ đề xuất, bởi hiện nay nhiều quốc gia kinh tế phát triển hơn nhưng thời gian làm thêm nhiều hơn Việt Nam.

Góp ý về dự thảo Bộ luật, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) đánh giá cao quan điểm sửa đổi Bộ luật lần này đã tiếp cận các quan điểm, sự chỉ đạo, các nghị quyết của Đảng, bám sát với thực tiễn yêu cầu có nhiều đổi mới, “tôi cho rằng đó là một điều rất đáng quan tâm”, bà Tâm nói.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, việc tăng giờ làm thêm, nhìn ở góc độ thực tiễn thì rất hợp lý, vì đem lại quyền và lợi ích gì cho người lao động và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Đây là vấn đề thực sự khó vì đứng ở góc này thấy thuận lợi, nhưng đứng ở góc khác theo bà có thể chưa ổn như sức khỏe, cần phải để người lao động có thời gian tái tạo lại sức lao động để làm việc tốt hơn. Điều đó vừa có lợi cho người công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động.

“Người sử dụng lao động sẽ có một công nhân có sức khỏe, tình cảm tốt thì năng suất lao động, chất lượng lao động mới tăng lên", bà Quyết Tâm chia sẻ.

Do đó, tuy đồng thuận với tăng giờ làm thêm, nhưng bà Quyết Tâm lưu ý, ở góc độ người sử dụng lao động nếu phải cần thiết làm thêm giờ để đảm bảo đơn hàng, phải có cách thỏa thuận khác với công nhân và mức tiền lương thỏa đáng, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Tranh luận với đại biểu Quyết Tâm về những băn khoăn của bà nếu tăng thêm giờ làm thêm liệu có ảnh hưởng đến người lao động ở một vài khía cạnh, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khẳng định, việc làm thêm giờ là tự nguyện chứ không bắt buộc. “Trong luật, hoàn toàn người lao động tự nguyện tham gia, và không bắt buộc làm thêm giờ”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

“Con người sinh ra bình đẳng, ai cũng có mưu cầu hạnh phúc và hạnh phúc đó không phải bằng tiền nhưng tiền rất quan trọng để có hạnh phúc. Do vậy, bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ để có thêm thu nhập cho gia đình, để xây dựng xã hội tốt hơn”, vị đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, “cần đưa ra quyết định rõ ràng là một số nghề nghiệp gây nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe bus, máy bay thì có thể không cho làm thêm giờ, thậm chí có quy định lái xe trong giờ nhất định phải nghỉ để chúng ta đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo để không gây tai nạn giao thông”, ông Tuấn nhấn mạnh thêm.

Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) khẳng định, mức tăng thêm giờ làm thêm xuất phát từ nhu cầu nhiều mặt phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư

 

Tăng giờ làm thêm: nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động

Cũng liên quan đến vấn đề tăng giờ làm thêm, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng bày tỏ đồng thuận về quy định khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là 400giờ/năm đối với trường hợp đặc biệt là phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động trong bối cập hội nhập hiện nay.

Đồng tình với khung thỏa thuận về giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt nhưng không quá 400 giờ/năm, tuy nhiên đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo nên quy định số giờ làm thêm trong 1 ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường, và số giờ làm không quá 12 giờ/ngày để tránh tình trạng tăng giờ làm thêm tập trung vào một số tháng liên tục trong năm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) khẳng định, mức tăng thêm giờ làm thêm xuất phát từ nhu cầu nhiều mặt phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là đáp ứng nhu cầu quyền lợi chính đáng và có thật của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình phát triển và hội nhập đất nước.

Theo đó, vị đại biểu tỉnh Nghệ An lưu ý, việc làm thêm giờ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, việc tái tạo sức lao động, vì vậy cũng cần quy định chặt chẽ để tránh áp dụng tùy tiện.

Đồng thời, ông Hùng không quên “hiến kế” cách quy định cách trả lương làm thêm giờ lũy tiến. “Ngày làm việc bình thường hai giờ đầu ít nhất là 150% lương, một giờ tiếp theo ít nhất là 250% lương, một giờ tiếp theo nữa ít nhất là 300%; cách tính lũy tiến như vậy sẽ hạn chế được người sử dụng lao động bắt ép người lao động làm thêm, tránh xảy ra tai nạn lao động khi làm việc quá sức. Làm việc ngày nghỉ ít nhất là 300%, làm việc ngày lễ tết ít nhất là 400%”, đại biểu Hùng nêu.

Về vấn đề tăng giờ làm thêm, sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Tăng mức tối đa 300h- 400h Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số rất ít ngành nghề, và chỉ ở những thời điểm nhất định.

Bộ trưởng cũng cho biết, không áp dụng tăng giờ làm thêm đối với khu vực công. Và đang tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là với ý kiến của một số đại biểu liên quan đến thỏa thuận, lũy tiến.v.v…

"Nhưng cũng phải lưu ý rằng, 97% các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa,  nhỏ, và siêu nhỏ. Đây là vấn đề rất quan tâm, làm sao đảm bảo quyền của người lao động đồng thời cũng đảm đảm bảo để các doanh nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng cho biết.

Thanh Nhung - Văn Bình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh