THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:35

Điều chỉnh tuổi hưu: Xu hướng tất yếu, là nhu cầu thật sự cần thiết hiện nay


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hội trường về Bộ luật lao động (sửa đổi)

 

Tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu

Giải trình ý kiến của đại biểu quốc hội thảo luận tại hội trường chiều nay 12/6 về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, các ý kiến hôm nay cùng với 170 ý kiến tại thảo luận tổ trước đó, trực tiếp Bộ trưởng và ban soạn thảo đã đọc, nghiên cứu tới 4 lần, suy nghĩ, tiếp thu.

Theo đó, bày tỏ tinh thần lắng nghe, cầu thị cao, Bộ trưởng khẳng định: “Bộ luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu, bám sát các mục tiêu quan điểm, đặc biệt là 2 nhóm tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động để thể chế trong luật”.

Thứ nhất, về mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa, Bộ trưởng khẳng định đây là nhu cầu có thực của doanh nghiệp và một bộ phận người lao động. Tăng mức tối đa 300h- 400h Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng cho một số rất ít ngành nghề, và chỉ ở những thời điểm nhất định.

Bộ trưởng cũng cho biết, không áp dụng tăng giờ làm thêm đối với khu vực công. Và đang tiếp tục nghiên cứu các phương án, nhất là với ý kiến của một số đại biểu liên quan đến thỏa thuận, lũy tiến.v.v…

"Nhưng cũng phải lưu ý rằng, 97% các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa,  nhỏ, và siêu nhỏ. Đây là vấn đề rất quan tâm, làm sao đảm bảo quyền của người lao động đồng thời cũng đảm đảm bảo để các doanh nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng cho biết.

Thứ hai, về tổ chức đại diện, trong thảo luận hội trường về Công ước 98 của ILO vừa qua, Bộ trưởng cho biết đã báo cáo đầy đủ tại phiên thảo luận này. Tuy thế, Bộ trưởng một lần nữa cho biết thêm, đây là vấn đề có tính nguyên tắc.

Đối với tổ chức đại diện sẽ được nêu trong Bộ luật, còn những vấn đề cụ thể như hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung mới, nhạy cảm và đảm bảo cho tổ chức đại diện hoạt động thực chất, đồng thời quản lý chặt chẽ thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

"Dĩ nhiên, những vấn đề này sẽ được dự thảo nghị định kèm theo, trong những điều kiện nhất định", Bộ trưởng nói.

Toàn cảnh phiên thảo luận dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: chưa bao giờ dễ, các nước đều gặp khó khăn

Thứ ba, về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH khẳng định, đây là xu hướng tất yếu, cũng như là nhu cầu thực sự cần thiết của chúng ta hiện nay. Thời điểm này, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như nghị quyết 28/NQ-TƯ đã nêu rất rõ các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

"Chúng tôi rất mừng, cơ bản các đại biểu phát biểu đều đồng thuận phương án này", Bộ trưởng bày tỏ.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ. Hầu như các nước đều gặp khó khăn khi điều chỉnh tuổi hưu, trong đó có 4 vấn đề lớn :

Thứ nhất, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, các nước đều đi đến quyết định sớm khi còn thặng dư lao động.

Thứ hai, đều tiến hành lộ trình tăng chậm.

Thứ ba, thường người dân, và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, và lâu dài thì các nước đều quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. Nhất là gần đây Nga, Anh, Pháp… và một số các nước gần chúng ta. Vấn đề này, Bộ trưởng nêu, sẽ cung cấp thông tin cụ thể.

Thứ tư, trong quá trình xử lý về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, thì phải phân loại các loại đối tượng theo các nhóm. "Đây là 4 kinh nghiệm mà các nước đặt ra, và chúng tôi tiếp tục nghiên cứu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định: Tuổi nghỉ hưu, đích đạt đến nữ đủ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là vào 2035, và nam là 2029.

Phân tích rõ thêm về điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh, khi đó như tinh thần dự thảo Nghị quyết đại hội 13, đến năm 2030 Việt Nam thuộc nước phát triển trung bình cao. Và năm 2045, thuộc nước phát triển. Khi đó, tất cả về điều kiện sức khỏe, v.v… đều có những thay đổi- kể cả về kinh tế -xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết cụ thể thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân làm 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất, tuổi nghỉ hưu trong lao động trong điều kiện bình thường.

Nhóm thứ hai là nhóm ngành nghề lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, suy giảm. Vùng sâu vùng xa có phụ cấp 0,7 thì có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật.

Nhóm thứ 3 là nhóm nghỉ hưu muộn  hơn. "Ở đây cũng có danh sách cụ thể, và hiện nay nhóm này áp dụng chủ yếu 3 đối tượng : 17 thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; nữ thứ trưởng  và nhà khoa học quản lý", Bộ trưởng thông tin.

Chính thức rút nội dung nghỉ ngày 27/7 khỏi dự thảo Bộ luật

Riêng về vấn đề đại biểu quan tâm, lực lượng lao động Việt Nam hiện nay như thế nào? Bộ trưởng cho biết, từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu chuyển dần dân số vàng sang giai đoạn "đang già"- theo đúng đánh giá của quốc tế. Hiện, chỉ còn 400 ngàn lao động tăng gia thêm hàng năm.

Thời gian tới chắc chắn thiếu lao động, và tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,2%, so với quốc tế thì hiện Việt nam đang là 1 trong 8 nước đứng đầu về tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Còn tỷ lệ sức khỏe đứng thứ 40/183 quốc gia.

Riêng về ngày 27/7, lấy làm một ngày nghỉ lễ trong năm, cũng với tinh thần cầu thị cao, rất thẳng thắn, Bộ trưởng cho biết, mặc dù trong dự thảo đề cập, nêu rõ ý nghĩa tính nhân văn, nhưng qua ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu hôm nay, Ban soạn thảo tiếp thu, lắng nghe và cho biết “Chính phủ chính thức xin rút nội dung này ra khỏi dự thảo Bộ luật", Bộ trưởng nói.

Còn các nội dung khác, và toàn văn dự thảo Bộ luật, Bộ trưởng khẳng định “sẽ tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến sâu rộng các đối tượng xã hội, tiếp tục phối hợp với UBCVĐXH của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu đáo, khoa học để lựa chọn những phương án tốt nhất trình Quốc hội xem xét”.

Thành Công - Văn Bình - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh