THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:53

Dạy nghề cho lao động nông thôn khi có đầu ra

 

Dạy nghề chạm bạc cho LĐNT ở Hưng Yên -  ảnh Văn Lý


Theo Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT), kế hoạch trong năm 2017 Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 290.430 người, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 210.430 người; đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng là 80.000 người. Cũng theo Cục Kinh tế Hợp tác, hiện cả nước có 486 cơ sở dạy nghề cấp huyện tham gia vào công tác đào tạo nghề nông nghiệp và có 32/63 trung tâm khuyến nông tỉnh được cấp phép tham gia đào tạo nghề. Ngoài ra các hội nông dân, các trường đào tạo nghề của tỉnh cũng đã tham gia vào hoạt động này. Việc tập trung đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ để thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh cho vùng nghèo.

Được biết, trên cơ sở 136 danh mục nghề do Bộ NN&PTNT ban hành, các địa phương đã xây dựng và ban hành danh mục đào tạo nghề nông nghiệp sát thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong năm 2016, số lao động được học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là: 126.189/161.000 lao động (đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra) và đạt 65% so với năm 2015. Trong đó, một số địa phương thực hiện có hiệu quả và vượt chỉ tiêu đào tạo như: Hà Nội, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang… Sau khi học nghề, hầu hết lao động được doanh nghiệp tuyển dụng và tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm. Nhiều lao động sau học nghề đã thành lập được nhóm, tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhiều hộ nông dân qua đào tạo nghề đã có trình độ kiến thức để nâng cao năng lực sản xuất, từ đó thoát nghèo và có thu nhập khá.

Để nâng cao hiệu quả của công tác này, Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn về tổ chức dạy nghề cho LĐNT năm 2017. Theo đó, đối với các Bộ, ngành cơ quan TW, tổ chức  triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Triển khai nhân rộng các mô hình phi nông nghiệp, trong đó cần tập trung đào tạo các nghề tiểu thu nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, đào tạo theo vị trí làm làm việc tại doanh nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó chú trọng đến việc đào tạo nghề cho LĐNT làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước, gắn đào tạo nghề với chiến lược phát triển kinh tế - xã của ngành... Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là chỉ tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Năm 2017, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho LĐNT, kiểm tra giám sát việc đào tạo nghề cho LĐNT.

Đối với UBND các tỉnh, cần tiếp tục rà soát, xây dựng, phê duyệt danh mục đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm đối với người được tuyển làm giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo giáo viên giảng dạy kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho LĐNT. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng dạy học đối với người dạy nghề là nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi...

UBND các tỉnh cần rà soát, đánh giá lại kết quả đầu tư và hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên, trường trung cấp thủ công mỹ nghệ, trường trung cấp công lập ở những huyện chưa có trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện giai đoạn 2010 - 2015. Đồng thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển đào tạo nghề lưu động đối với các cơ sở này trong giai đoạn 2016-2020. Việc hồ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển đào tạo nghề lưu động cho LĐNT thực hiện theo qui định hiện hành. Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương phải thẩm định nhu cầu sử dụng kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển bảo đảm hiệu quả và theo đúng qui định hiện hành trước khi quyết định đầu tư...

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh