THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:32

Đẩy mạnh xây dựng ngân sách nhà nước có tính đến yếu tố giới

 

Hội thảo “Lồng ghép giới vào trong các quy định về định mức phân bổ cho chi tiêu ngân sách nhà nước”, đã thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Sở Tài chính của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, các đơn vị chịu trách nhiệm lập kế hoạch và tài chính từ các bộ ngành liên quan, Tổng cục Thống kê, các đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới; ngân sách, bình đẳng và minh bạch ở Việt Nam, cùng các Cơ quan Liên hợp quốc.

 

Ngân sách có tính đến yếu tố giới được hiểu là “quá trình lập kế hoạch và lập ngân sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và thực thi các quyền của phụ nữ. Quá trình đó đòi hỏi xác định và phản ánh các can thiệp cần thiết để giải quyết vấn đề giới trong chính sách, kế hoạch và ngân sách của ngành/lĩnh vực và của Chính phủ. Ngân sách có tính đến yếu tố giới phân tích tác động khác biệt về giới trong chính sách thu và phân bổ nguồn lực trong nước và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Trong báo cáo Phát triển Thế giới năm 2012, Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh rằng đảm bảo việc phụ nữ có quyền tiếp cận công bằng tới giáo dục, đất đai, cơ hội nghề nghiệp.v.v. sẽ giúp nền kinh tế của một quốc gia phát triển vững mạnh; và việc xóa bỏ những rào cản để phụ nữ có thể tham gia vào những ngành nghề khác nhau sẽ có thể giúp gia tăng năng suất lao động lên 25%. Hiện nay, một trong những công cụ hiệu quả nhất để thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo việc tiếp tục đầu tư vào phụ nữ là thông qua việc lập ngân sách giới.

 

“UN Women đang hỗ trợ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính thuộc Bộ Tài Chính trong xác định các cách thức thực tiễn để thay đổi các quy trình lập kế hoạch và lập ngân sách, lồng ghép các nguyên tắc về bình đẳng giới vào trong quản lý nhà nước về ngân sách và đảm bảo phân bổ nguồn lực đầy đủ cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới”

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những điểm mạnh cũng như những lỗ hổng trong những văn bản pháp lý hiện nay xét từ phương diện bình đẳng giới, trên cơ sở các nguyên tắc của Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ mọi phân việt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) và kinh nghiệm quốc tế về lập ngân sách có tính đến yếu tố giới. Đồng thời, các đại biểu đã chia sẻ những phát hiện ban đầu từ báo cáo phân tích tình hình thực tiễn áp dụng tại một số tỉnh và thành phố để xem xét liệu những định mức phân bổ hiện nay cho ngân sách chi tiêu nhà nước có thúc đẩy bình đẳng giới hay không.

Cuối hội thảo, những khuyến nghị cho việc thúc đẩy ngân sách có tính đến yếu tố giới, trong định mức phân bổ ngân sách chi tiêu thường xuyên và đầu tư từ xây dựng ngân sách nhà nước sẽ được tập hợp và chia sẻ với các bên liên quan

Châu Anh/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh