THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động

 

Đây là nội dung được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo Vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động vừa được tổ chức ngày 5/5, tại Hà Nội.

Theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), môi trường làm việc ngày nay thường có nhiều loại vật liệu, yếu tố và thao tác tiềm tàng các nguy hại đối với sức khỏe. Số người lao động tử vong vì bệnh nghề nghiệp cao gấp 6 lần so với nguyên nhân tai nạn lao động nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Công nhân cần được huấn luyện an toàn lao động đầy đủ.

 

Tại Việt Nam, môi trường lao động đã bước đầu được cải thiện. Nhiều biện pháp đã được triển khai tại cơ sở lao động để kiểm soát các yếu tố có hại trong môi trường lao động như kiểm soát bụi, ồn, thông gió, chiếu sáng, hút hơi khí độc, vệ sinh công nghiệp nhằm giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, có hại nhằm phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện việc lập hồ sơ vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động theo quy định cũng như việc tự kiểm tra để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất thực hiện quan trắc môi trường lao động chỉ chiếm khoảng 20% trong tồng số các doanh nghiệp có yếu tố nguy hiểm, có hại. Người lao động chưa được thông tin về các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và cách phòng, chống. Năm 2016, phát hiện 3.267 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, theo điều tra một số vụ tai nạn điển hình trong 3 năm gần đây cho thấy, trên 50% tai nạn xảy ra là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động,... 20% do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân,...

Mặc dù tỷ lệ tai nạn lao động ngành xây dựng đã có giảm nhưng ngành này vẫn đứng đầu trong danh sách ngành gây tai nạn lao động lớn nhất. Theo đánh giá của công đoàn Xây dựng Việt Nam, hiện ngành xây dựng còn sử dụng nhiều lao động thời vụ, ngắn hạn, thời gian làm việc có thể chỉ 3 ngày, 7 ngày hay 10 ngày... số lượng tuyển dụng rải rác nhiều đợt không tập trung tùy theo tiến độ của dự án.  Những lao động này hầu như chưa được qua đào tạo, chuyên môn và tay nghề còn nhiều hạn chế, do đó ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém, nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động chưa cao và vẫn còn tình trạng làm bừa, làm ẩu, chạy theo sản lượng. Theo quy định của pháp luật, đối tượng này phải mở lớp huấn luyện thời gian 3 ngày nên việc tổ chức huấn luyện cho các đối tượng này khó thực hiện. Vì vậy, hầu hết các vụ tai nạn lao động xảy ra đều rơi vào các trường hợp là lao động thời vụ.

 

Ngành xây dựng dẫn đầu các ngành có số tan nạn lao động cao.

 

Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huấn luyện, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Khánh Long cho biết: Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016 cả nước xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 799 vụ khiến 862 người chết; 1.952 người bị thương nặng. Tuy nhiên, bức tranh tai nạn lao động chưa phản ánh được thực tế bởi chỉ có 9,5% doanh nghiệp, tức  26.419/277.314 doanh nghiệp có báo cáo về tình hình tai nạn lao động.

Để phòng tránh tai nạn lao động, công tác huấn luyện an toàn lao động phải luôn được đặt lên hàng đầu. Từ năm 2013, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đã thu được nhiều thành công. Trong 3 năm từ 2014 – 2016, đã có 250 tổ chức huấn luyện được Cục An toàn lao động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và hàng trăm tổ chức khác được Sở LĐ-TB&XH các tỉnh chấp giấy chứng nhận. Hơn 6.000 người được đào tạo và cấp giấy chứng nhận giảng viên huấn luyện. Bình quân, mỗi năm có khoảng 4,5 – 5 triệu lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, tăng gấp 10 lần so với trước đây. Tuy nhiên, theo ông Long: “Số lượng người được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động dù có tăng những vần còn khoảng cách lớn so với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2016, các đối tượng huấn luyện theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động với khoảng trên 35 triệu người, nâng tổng số lao động cần huấn luyện đạt khoảng 55 triệu người. Trong khi, năng lực huấn luyện hiện nay chỉ đạt khoảng 5 triệu người/ năm. Vì thế, thực tế  yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực xã hội cho công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh