Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:32 - 06/02/2019
Ông Nguyễn Hồng Minh (đeo cavat đỏ) trao đổi với các chuyên gia Thái Lan tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 - ảnh Phương Minh
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của công tác GDNN năm 2018?
Bộ LĐ-TB&XH đặt công tác GDNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2018. Tổng cục GDNN đã chủ động đề xuất tham mưu các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu phải tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất, hiệu quả và đã đạt được một số kết quả. Đó là, hoạt động GDNN đã gắn kết với doanh nghiệp, tạo đột phá về chất lượng đào tạo, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn GDNN với thị trường lao động, tạo việc làm bền vững. Minh chứng cho hoạt động này, Tổng cục đã thực hiện ký kết hợp tác với gần 20 DN, tạo hành lang cho việc kết nối giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp như VCCI, Hiệp hội nghề nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp như: Mường Thanh, Vingroup, Samsung…
Công tác hoàn thiện thể chế về GDNN tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có việc xây dựng và ban hành các chuẩn theo Luật GDNN; Nghị định số 49 quy định về kiểm định chất lượng GDNN, Nghị định số 140 và các thông tư cắt giảm, đơn giản các thủ tục hành chính. Triển khai xây dựng 160 chuẩn đầu ra cho các nghề trình độ cao đẳng và trung cấp; ban hành và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu cho 58 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư số 03 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN; Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 10 quy định mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN.
Hoạt động tuyển sinh GDNN có nhiều khởi sắc. Tổng cục đã triển khai nhiều giải pháp như tuyển sinh gắn với tuyển dụng; cam kết có việc làm, thu nhập sau khi ra trường...
Lần đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH ban hành một kế hoạch truyền thông về GDNN. Các chương trình hợp tác giữa Tổng cục và các cơ quan thông tấn báo chí được đẩy mạnh.
Xác định hợp tác quốc tế là một giải pháp để nâng cao chất lượng, đưa hoạt động GDNN tiếp cận với khu vực và thế giới. Nhiều văn bản hợp tác với các nước đã được ký kết bởi lãnh đạo Bộ, Tổng cục như: Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GDNN giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách GDNN và Kỹ năng Australia Karen Andrews; ý định thư tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực GDNN giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục Đan Mạch đã được ký kết bởi Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh và ông Rasmus Vanggard Knudsen, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế - Bộ Giáo dục Đan Mạch... Thông qua các bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, đã có nhiều hoạt động được phối hợp tổ chức giữa Tổng cục GDNN và các tổ chức quốc tế như Sứ quán Úc, GIZ, ILO, KOSEN...
Các kỳ thi, hội thi lĩnh vực GDNN đã thu được nhiều thành công, như: Kỳ thi tay nghề ASEAN, Kỳ thi tay nghề quốc gia, Hội giảng Nhà giáo GDNN, Hội thao các cơ sở GDNN toàn quốc...
Gắn kết doanh nghiệp, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường được xem là thành công nổi bật của GDNN năm 2018. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề nghiệp là một mắt xích quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDNN, đảm bảo an sinh xã hội và việc làm bền vững. Đó là DN cùng với cơ sở GDNN thực hiện: Xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển GDNN và DN; xây dựng tiêu chuẩn nghề, các chuẩn có liên quan trong GDNN, chương trình đào tạo, tham gia tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người học tham gia các cuộc thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới; thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành trong một số lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2018 GDNN đã phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng 160 chuẩn đầu ra cho các ngành nghề trình độ cao đẳng, trung cấp; xây dựng 22 định mức kinh tế kỹ thuật tạm thời cho 22 ngành nghề được chuyển giao từ Úc đào tạo thí điểm.
Ông Nguyễn Hồng Minh (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác huấn luyện nghề dịch vụ nhà hàng tại trường CĐ du lịch H. - ảnh Phương Minh
Tự chủ tài chính trong các cơ sở GDNN là xu thế tất yếu, tuy nhiên hiện nhiều cơ sở GDNN đang rất “lo lắng” về vấn đề này? Theo ông tự chủ tài chính trong GDNN sẽ phải thực hiện ra sao cho hiệu quả?
Thực tế hiện nay, nhận thức về vấn đề tự chủ còn hạn chế. Trước hết cần hiểu tự chủ về tài chính không có nghĩa là giảm chi ngân sách nhà nước mà là chuyển đổi phương thức đầu tư cho GDNN theo hướng hiệu quả hơn, đầu tư tập trung trọng tâm, trọng điểm.
Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ LĐ-TB&XH đã giao Tổng cục GDNN dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDNN công lập.
Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của GDNN năm 2019?
Năm 2019, GDNN tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB&XH. Đó là tập trung nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng GDNN, nhất là các trường ngoài công lập; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn theo quy định; rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN công lập; tăng cường xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho GDNN; tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật GDNN theo quy định, xây dựng Chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030; tham gia xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh mô hình đào tạo phân luồng 9+ (cao đẳng và trung cấp) và liên thông các trình độ.
Tiếp tục xây dựng các chuẩn (chuẩn đầu ra, chuẩn nhà giáo; chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung xây dựng hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu GDNN, các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu về GDNN, đào tạo trực tuyến, cấp chứng chỉ và quản lý văn bằng trực tuyến; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên, đánh giá cấp thẻ kiểm định viên; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng GDNN; tập huấn, bồi dưỡng về bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở GDNN.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp gắn kết đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động, đào tạo lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước.
Đẩy mạnh và khuyến khích các cơ sở GDNN đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở GDNN công lập (sau khi được ban hành) và tiến tới tự chủ chi thường xuyên.
Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp cơ sở GDNN công lập theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 và 08, đồng thời bảo đảm hiệu quả hoạt động sau sắp xếp. Tiếp tục đẩy mạnh việc sáp nhập 03 trung tâm ở cấp huyện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác truyền thông trong đó coi trọng công tác truyền thông của các cơ sở GDNN; tăng cường tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.