CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:44

Đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và AIDS

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi và kiểm tra tình hình hoạt động tai một cơ sở cai nghiện và dạy nghề của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu

Chủ trương, chính sách về phòng, chống ma túy, mại dâm, AIDS phải phù hợp với thực tiễn

Báo cáo với Đoàn công tác, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.838 người nghiện ma túy, tăng 322 người so với năm 2015. Trong đó: 726 người đang ở trong các trung tâm cai nghiện, 135 người đang trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ, 1.977 người đang ở ngoài xã hội. Số đối tượng cai nghiện thành công còn thấp. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm xảy ra 2 vụ, học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề trốn khỏi trung tâm. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 95 vụ, 127 đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển tái phép các chất ma túy, tăng 33 vụ so với 6 tháng đầu năm 2015, khởi tố 87 vụ, 99 đối tượng. “Trong 6 tháng đầu năm đã Trung tâm đã tiếp nhận 540 học viên vào lưu trú tạm thời để cắt cơn, giải độc và hiện đang quản lý 540 học viên, gồm 14 HV cai nghiện tự nguyện, 335 HV cai nghiện bắt buộc có quyết định của Tòa án và 223 HV lưu trú tạm thời. Hiện có 2 cơ sở điều trị đang thực hiện điều trị nghiện bằng thuốc Methadone, với 600 người đang điều trị. Theo đánh giá, bệnh nhân điều trị theo phương pháp này sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực, có thái độ sống tích cực, lành mạnh, vui vẻ, có trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình”, bà Trang Đài cho biết thêm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hiện tỉnh còn gặp một số khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai như giải quyết vấn đề xử lý đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác quản lý học viên tại các cơ cở cai nghiện, cơ sở vật chất các cơ sở đã xuống cấp, chưa có kinh phí hoạt động cho chương tình cai nghiện điều trị cai nghiện tai cộng đồng. Việc hỗ trợ điều trị sau cắt cơn chưa hiệu quả, vì đa số các đối tượng sức khỏe yếu, không có việc làm... Tỉnh cũng kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tế; có hướng dẫn người nghiện ma túy dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an có hướng dẫn về tiêu chí xác định người không có nơi cư trú ổn định theo NĐ số 221/2013/NĐ - CP của Chính phủ; phối hợp với Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao có văn bản liên tịch về hướng dẫn các biểu mẫu thống nhất thực hiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để thống nhất thực hiện giữa các đơn vị; cần có kinh phí cho chương trình cai nghiện tại cộng đồng, có chế độ chính sách cho những người trực tiếp làm công tác này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ghi nhận, sự nỗ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy. Đồng thời, yêu cầu tỉnh phải sàng lọc sớm các đối tượng mới tiếp nhận để phân loại, chia theo từng khu, theo từng đối tượng riêng. "Không để thời gian tập trung kéo dài 2, 3 tháng như hiện nay nhằm tránh tình trạng gây tâm lý ức chế, nảy sinh tiêu cực, gây rối; xem xét đổi lại tên các trung tâm; tập trung làm tốt công tác quản lý và cai nghiện tại cộng đồng, quản lý sau cai; không để xảy ra tình trạng học viên bỏ ra khỏi các cơ sở cai nghiện. Tỉnh cần rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện, các quyết định đã thực sự phù hợp với tình hình thực tế hay chưa, rút ra những bài học gì để sớm có báo cáo trình lên Bộ"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm mẹ VNAH ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, đoàn đã đến kiểm tra cơ sở cai nghiện thuộc Sở LĐ-TB& XH tỉnh trên địa bàn huyện Tân Thành. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Đoàn công tác liên ngành cũng đã đến thăm và tặng quà Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khương và Nguyễn Thị Bảy ở huyện Long Điền.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi người nghiện tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy

Làm tốt hơn nữa công tác cai nghiện tại gia đình và điều trị bằng Methadone

Ngày 10/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn công tác kiểm tra cũng đến thăm Cơ sở xã hội Bình Triệu, Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thành phố để tìm hiểu tình hình các mặt hoạt động về công tác này; ghi nhận những vướng mắc, kiến nghị của các cơ sở trong quá trình tiếp nhận, cắt cơn, điều trị nghiện ma túy; các trình tự thủ tục hồ sơ để Tòa án xem xét, quyết định đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.     

Báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tại địa phương, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, tội phạm về ma túy tuy giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phổ biến nhất là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính và mại dâm có yếu tố nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng thăm và làm việc tại cơ sở cai nghiện TP Hồ Chí Minh. 

Qua 18 tháng thực hiện đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn và cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ sở xã hội đã xác định tình trạng nghiện cho 10.173 người. Hoàn tất hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 7.479 trường hợp. Đã đưa 6.947 người nghiện ma túy thi hành quyết định của TAND tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tính đến 15/5/2016, tổng số người cai nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định trên địa bàn đã thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 1.172 người. Kết quả có 305 trường hợp đã chấp hành xong quyết định cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và được địa phương cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành đợt cai nghiện ma túy.

Thành phố đã thành lập 30 điểm tư vấn để hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng; thành lập 3 cơ sở xã hội: Bình Triệu, Nhị Xuân và Thanh thiếu niên với quy mô tiếp nhận hơn 2.500 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Thành phố hiện có 7 cơ sở cai nghiện ma túy, có 826 người đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, đang quản lý và tổ chức cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện cho 7.225 người. Trong 6 tháng đầu năm, Công an Thành phố đã phát hiện 824 vụ, 1.776 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy... đã khởi tố 653 vụ, 906 bị can, chuyển xử lý hành chính 171 vụ, 870 đối tượng.Về phương pháp điều trị cai nghiện bằng thuốc Mathedone, hiện thành phố có 4.029 người đang điều trị. Dự kiến, hết năm 2016, thành phố sẽ vận hành thêm 3 cơ sở điều trị Methadone gồm: Quận 2, 3 và huyện Cần Giờ. (Nâng tổng số cơ sở điều trị lên 22/24 quận, huyện), sẽ điều trị cho khoảng 5.000 - 5.500 bệnh nhân (đạt 62,5 - 70 % chỉ tiêu).

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự chủ động của TP. Hồ Chí Minh trong việc đưa ra phương pháp làm mới, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, có nhiều mô hình sáng tạo, quy trình hoạt động của các cơ sở khá chặt chẽ, bài bản đúng quy định. Bộ trưởng bày tỏ sự lo ngại khi TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn trọng điểm về ma túy và tệ nạn xã hội. Đặc biệt là sự trẻ hóa của đối tượng nghiện, tình trạng gia tăng người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp nên thành phố cần vào cuộc quyết liệt; tăng cường đào tạo đội ngũ làm công tác cai nghiện tại các cơ sở. Tiếp tục triển khai điều trị nghiện ma túy bằng Methadone và nỗ lực đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội. Hướng tới việc cai nghiện ma túy dựa vào cộng đồng là chủ trương phù hợp đối với điều kiện như hiện nay.

Bộ trưởng cũng yêu cầu: “Tại các cơ sở này, cần có những trao đổi thông tin giữa người cai nghiện ma túy ở cơ sở với gia đình, nhất là kỹ năng tư vấn tâm lý và cắt cơn. Với mô hình điều trị Methadone cần được duy trì tiếp tục và thành phố nên có những tổng kết kinh nghiệm nhằm giúp Bộ tổng kết, có sự điều chỉnh phù hợp và để có cơ sở nhân rộng”.

Đinh Hoa -Lê Hoàng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh