THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:39

Đẩy mạnh các hình thức cai nghiện ma túy

Một Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tại Hà Nội

Một Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng tại Hà Nội

Thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy luôn được các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm: Đảng có nhiều văn bản chỉ đạo; Quốc hội điều chỉnh, bổ sung, ban hành Luật Phòng chống ma túy; Chính phủ, Bộ ngành Trung ương ban hành nghị định, thông tư, chỉ thị, quy định, hương dẫn, kế hoạch; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề; triển khai thực hiện...

Người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhìn chung tình hình sử dụng trái phép các chất ma túy được kiểm soát, quản lý ngày càng tốt hơn; công tác cai nghiện ma túy cũng có chuyển biến tích cực hơn.

Trong những năm qua, do tác động trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là khu vực "tam giác vàng", tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Hậu quả do ma túy gây ra hết sức nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 năm gần đây cho thấy: Năm 2017, cả nước phát hiện 128.760 người, năm 2018 phát hiện 135.117 người, năm 2019 phát hiện 143.267 người sử dụng trái phép chất ma túy. Người sử dụng ngày càng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Nhiều đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng, gây bất an, bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định cũ chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe, ngoài ra, không có biện pháp quản lý nào khác.

Ngày 30/3/2021, tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa 14 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực thi thành từ ngày 1/1/2022. Luật gồm 8 chương, 55 điều. Trong đó có một chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và một chương về Cai nghiện ma túy.

Các quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mới nhằm quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

Theo số liệu thống kê định kỳ, đến ngày 15/12/2021, toàn quốc có 238.171 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 3.159 người, tương đương 1,3% so với năm 2020 với 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý). Về thành phần, tỷ lệ người nghiện là nam giới chiếm khoảng 92,27%; nữ giới chiếm 7,73%; độ tuổi trên 30 tuổi chiếm 57,69%. Có 25.654 đối tượng có tiền sự và 58.849 đối tượng có tiền án.

Tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 - 80% trong số người nghiện, nhất là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Hiện nay trên cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đang tổ chức cai nghiện cho 36.295 người, trong đó có 31.039 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc của Tòa án, 3.905 người cai nghiện ma túy tự nguyện và 1.351 người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định.

16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trên toàn quốc đang tổ chức cai nghiện cho 589 người. Cả nước hiện đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho trên 52.560 bệnh nhân. 45/97 cơ sở cai nghiện bắt buộc có bác sĩ, trong đó bác sĩ chuyên khoa tâm thần chưa đến 10%.

3 tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Hậu Giang chưa có cơ sở cai nghiện ma túy, khi lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các địa phương này phải gửi người nghiện đến cơ sở cai nghiện của địa phương khác.

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy về công tác cai nghiện ma túy, người được xác định tình trạng nghiện sẽ được ưu tiên đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện.

Đẩy mạnh các mô hình hỗ trợ hiệu quả

Hiện Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai… đều tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, nhất là tại các cơ sở cai nghiện ma túy và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng (tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV/AIDS) như: Mô hình hỗ trợ tư vấn, pháp lý và xã hội chuyển gửi đối với người nghiện ma túy có sự tham gia của Tòa án; Mô hình quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy thuộc các xã khu vực biên giới; Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; Các mô hình khác địa phương đang thực hiện...

Việc thực hiện rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy được Bộ Công an quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất ngay từ cơ sở

Việc thực hiện rà soát, thống kê và quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy được Bộ Công an quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất ngay từ cơ sở

Đặc biệt đã hướng dẫn, hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng mô hình mới phòng, ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy của Chính phủ, Cục Hậu cần Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) triển khai thí điểm mô hình "Kết hợp quân dân y (KHQDY) cai nghiện cho người nghiện ma túy" trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh. Kết quả, đã cai nghiện thành công cho hàng trăm người nghiện, hỗ trợ các đối tượng nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các xã khu vực biên giới thí điểm mô hình "KHQDY cai nghiện cho người nghiện ma túy" thành lập tổ cai nghiện, mỗi tổ 7 đồng chí, gồm cán bộ ủy ban nhân dân xã và các cán bộ quân y, tổ vận động quần chúng, nghiệp vụ biên phòng….

Hàng năm, bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh nói trên phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ các tổ cai nghiện về phương pháp cắt cơn, hỗ trợ phục hồi sức khỏe, dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng… với sự tham gia giảng bài của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Viện Sức khỏe tâm thần/Bệnh viện Bạch Mai, Phòng Quân y/Cục Hậu cần BĐBP…

Các cán bộ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của nghiện ma túy, lợi ích của cai nghiện đối với người nghiện tới từng thôn bản, từng gia đình, người dân để tạo sự đồng thuận.

Ngoài ra, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể địa phương cũng chủ động giới thiệu cho người sau cai nghiện tham gia các mô hình kinh tế tại địa phương để góp phần ổn định cuộc sống. Có thể khẳng định, với nguồn kinh phí khá hạn chế và với khoảng thời gian ngắn (15-20 ngày) cho mỗi đợt cai nghiện, BĐBP 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác cai nghiện trong mô hình "KHQDY cai nghiện cho người nghiện ma túy".

Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, nhân dân địa phương đã hiểu biết hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu thêm về các loại ma túy và tác hại của việc sử dụng ma túy. Từ đó, nâng cao tinh thần giác ngộ, đấu tranh phát giác tội phạm ma túy, tham gia phòng chống tàng trữ và lưu hành các loại ma túy, góp phần thắt chặt tình quân dân, ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Mở ra hy vọng cho một môi trường điều trị pháp lý, nhân văn và hiệu quả

Trong những năm qua, mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện nghiện ma túy" đã được triển khai ở nhiều địa phương. Đây là một chương trình tổng hợp kết hợp/kết nối giữa các giải pháp tư pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy tuân thủ điều trị nhằm đạt được mục đích cao nhất là cai nghiện thành công, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội có liên quan đến ma túy.

Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình bước đầu đã hình thành được mạng lưới chuyên môn có đầu mối là lực lượng công an phường; các bộ phận trung gian là điều phối viên, tư vấn viên gồm cán bộ phòng lao động và trung tâm y tế quận, cán bộ y tế ở trạm y tế phường, giám sát viên và điểm đích của mạng lưới là các cơ sở cung cấp dịch vụ theo khung kỹ thuật đã quy định... nhằm giúp người nghiện được cung cấp các dịch vụ từ khâu tư vấn, khám bệnh ban đầu cho đến cắt cơn đến hòa nhập cộng đồng.

Hoạt động của mô hình cũng đề cao vai trò của lực lượng công an trong công tác phát hiện, tiếp cận, chuyển gửi người sử dụng ma túy, người cai nghiện ma túy tới các cơ sở cung cấp dịch vụ. Thông qua việc tham gia mô hình, cán bộ cơ sở đã được hướng dẫn kỹ năng chuyên môn về tiếp cận, tư vấn, đánh giá, sàng lọc và chuyển gửi đối tượng là người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy được phát hiện.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết, mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy", là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng.

Đặc điểm riêng có của mô hình là có sự tham gia chuyển gửi của công an đến các cơ sở điều trị thông qua chuyển gửi đến nhân viên xã hội tại xã phường thí điểm để sàng lọc, đánh giá, động viên người nghiện vào điều trị. Công an khi tiếp cận với người sử dụng ma túy thì việc đầu tiên là giới thiệu tham gia mô hình thí điểm thay vì chỉ tập trung vào lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính như cách làm truyền thống.

Tại Hà Nội, mô hình được thực hiện dưới sự phối hợp quản lý của Sở LĐ-TB&XH và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho mô hình và các điểm tư vấn, điều trị với sự hỗ trợ tài chính và đồng hành của Cơ quan quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA).

Hiệu quả bước đầu của mô hình được ghi nhận qua việc đóng góp vào quá trình quản lý chặt chẽ những di biến động của người nghiện trên địa bàn, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người nghiện qua các hoạt động như: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia chuyển gửi, chuyển gửi kịp thời người nghiện tới các cơ sở điều trị ma túy, bệnh viện điều trị tâm thần, khám chăm sóc bệnh nhân lao…và các hỗ trợ tâm lý xã hội khác. Việc này bước đầu tạo được niềm tin cho người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Mô hình được triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 8 quận và 20 phường của Hà Nội và Đà Nẵng. Trong suốt 3 năm, mô hình đã tiếp nhận 973 người tham gia, trong đó Hà Nội có 690 người, Đà Nẵng có 283 người.

Mô hình thực hiện tư vấn về điều trị, cai nghiện ma túy; các chính sách hỗ trợ sinh kế; học nghề đối với người sử dụng và nghiện ma túy,… và các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị nghiện, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý, chuyển gửi đến trung tâm y tế/cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc; cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; bệnh viện tâm thần để được điều trị nghiện loạn thần; cơ sở cai nghiện ma túy để cai nghiện tự nguyện.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang, quản lý Chương trình Điều trị nghiện và giảm hại, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - SCDI: "Hiệu quả bước đầu của mô hình được ghi nhận qua việc đóng góp vào việc quản lý chặt chẽ di biến động người nghiện trên địa bàn, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người nghiện qua các hỗ trợ cụ thể, từ đó tạo niềm tin của khách hàng và nhân dân địa phương, tạo sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, hành vi của người nghiện".

Bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Cố vấn Kỹ thuật cao cấp Chương trình điều trị nghiện và giảm hại - SCDI chia sẻ thông tin, hoạt động của mô hình đã được các cấp, các ngành quan tâm, chính quyền cơ sở tích cực, chủ động vào cuộc do đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là các hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, hỗ trợ về y tế, tư vấn tâm lý, pháp lý, xã hội.

"Mô hình thể hiện được sự pháp lý, nhân văn và hỗ trợ khi đáp ứng các nhu cầu của người cai nghiện ma túy về mọi mặt. Không chỉ can thiệp về y tế, mô hình còn tạo điều kiện, giải quyết các vấn đề về công ăn việc làm, định hướng việc làm. Trong quá trình triển khai, SCDI đã rất sát sao, kết hợp chặt chẽ với mạng lưới tiếp cận viên, tình nguyện viên dưới xã, phường để cập nhật tình hình cũng như giải quyết các khó khăn, từ đó góp phần vào thành công của mô hình thí điểm", Bà Đỗ Thị Ninh Xuân nói.

Tuy còn những điểm cần cải thiện để duy trì và mở rộng, nhưng Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma túy đã chỉ ra những thành công bước đầu và mở ra hy vọng cho một môi trường điều trị pháp lý, nhân văn và hiệu quả: giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ người sử dụng ma túy trong cộng đồng, hạn chế tình hình vi phạm pháp luật, giảm được tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh