CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:42

Đẩy mạnh các chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Cục Bảo xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức OXFAM tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách và các chương trình trợ giúp phụ nữ khuyết tật”.

Với mục tiêu đánh giá những kết quả đạt được trong công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật thời gian qua, đề ra những giải pháp hỗ trợ thời gian tới, đồng thời Hộ thảo cũng tập trung chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật.

Đẩy mạnh các chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình xã hội (Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam); Bà Phan Thị Thu Hương, Quản lý chương trình Bình đẳng giới - OXFAM.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam hiện có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 58%. 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp NKT, đặc biệt là Luật Người khuyết được coi là luật khung thực hiện chính sách trợ giúp NKT, quy định toàn diện các chính sách về trợ cấp, chăm lo giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, đảm bảo an sinh xã hội... 

Cả nước hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 1 triệu NKT, hình thành mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. 

Đẩy mạnh các chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam

"Các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả NKT đều được hỗ trợ. Các chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ NKT nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên ổn định cuộc sống", ông Hồi cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, việc thực hiện chính sách trợ giúp phụ nữ NKT vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Nhận thức trọng nam kinh nữ còn diễn ra ở một bộ phận dân cư; Nguồn lực thực hiện chương trình, đề án hỗ trợ NKT còn ít. 

Hiện Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành đang tiến hành tổng kết, đánh giá các chương trình, đề án trợ giúp NKT trong giai đoạn vừa qua để xây dựng đề án cho giai đoạn 2021-2030. 

Đồng thời đề nghị để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật cần giao cho mạng lưới cộng tác viên, các hội đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là hội phụ nữ thực hiện;

Tăng cường sự phối kết hợp liên ngành trong việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em khuyết tật; Các bộ, ngành cần có những giải pháp hỗ trợ thiết thực, cụ thể để đưa vào chương trình, đề án thực hiện cho giai đoạn tới...

Đẩy mạnh các chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội thảo

Giai đoạn 2025 - 2030 có 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp

Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, nước ta hiện có trên 1 triệu NKT đặc biệt nặng, nặng và phụ nữ khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng gần 18.000 NKT và phụ nữ khuyết tật. 

Mỗi năm, có khoảng 90% bà mẹ có thai được khám thai, sàng lọc khuyết tật trước sinh; trên 90.000 trẻ em khuyết tật và trẻ em gái có khả năng học tập được đến trường. 

Các địa phương đã xây dựng và phê duyệt danh mục và định mức chi phí đào tạo cho trên 950 lượt nghề để tổ chức đào tạo chuyên biệt đối với NKT, hàng năm có từ 17.000 - 20.000 NKT, phụ nữ khuyết tật được đào tạo nghề. 

Các trung tâm dịch vụ việc làm bình quân mỗi năm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt NKT, phụ nữ khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%.

Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, Ủy ban đặt ra chỉ tiêu 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau; giai đoạn 2026 -2030 có 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh thành Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương... đã chia sẻ kinh nghiệm thực trạng triển khai chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật; các mô hình sinh kế hỗ trợ; 

Đồng thời, cac kinh nghiệm hỗ trợ thành lập và hoạt động của câu lạc bộ khuyết tật; vấn đề bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật... cũng được chia sẻ và bàn thảo tại Hội thảo.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để trợ giúp phụ nữ khuyết tật, thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như:

Cuộc vận động xây dựng Mái ấm tình thương của các cấp hội phụ nữ trong cả nước, từ năm 2008 -2016 đã quyên góp được 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xây 35.695 mái ấm tình thương, sửa chữa 23.000 nhà cho phụ nữ khuyết tật, yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Từ năm 2017-2019 đã huy động được trên 374 tỷ đồng xây dựng 9.426 nhà và sửa chữa 2.986 nhà. Trung ương Hội đã chỉ đạo thành lập 33 mô hình nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực;

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật; Thực hiện dự án bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật...

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh