THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:41

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành dinh dưỡng

ảnh minh họa

Cấp bách đào tạo nhân lực ngành Dinh dưỡng

Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn chính quy về dinh dưỡng tại các bệnh viện còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu đang ngày một tăng cao. Đây được xem là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công tác dinh dưỡng trong các bệnh viện chưa đạt được những yêu cầu về chăm sóc người bệnh.

Nhiều bệnh viện chưa có khoa Dinh dưỡng

Nhiều chuyên gia ngành Y nhận định, nguồn nhân lực bác sĩ ngành dinh dưỡng tại Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng, hiện có khoảng 61% bệnh viện chưa đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế, 74% bệnh viện chưa cung cấp được chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý người bệnh. Trên thực tế cả nước vẫn còn khoảng 40% các bệnh viện không có khoa dinh dưỡng và tổ dinh dưỡng tiết chế. Đây là nguyên nhân khiến 60% các bệnh nhân nằm viện điều trị bị suy dinh dưỡng, nhất là đối với các bệnh mãn tính.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đến nay phần lớn các bệnh viện đã thay đổi nhận thức về ứng dụng dinh dưỡng trong điều trị; cán bộ dinh dưỡng trong các bệnh viện đã có nhiều cố gắng với các hoạt động dinh dưỡng trong các bệnh viện. Các hoạt động dinh dưỡng bệnh viện đã được quan tâm chú trọng và phát triển hơn trước kia đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, qua báo cáo của 1.224 bệnh viện trong cả nước, thì vẫn có 450 bệnh viện chưa thực hiện thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện; số bệnh viện có làm nhưng chưa đầy đủ là 499… và chỉ có 58 bệnh viện làm ở mức tiêu chuẩn cao hoặc có một số hoạt động trên mức quy định. Tương tự, tỷ lệ người bệnh được đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong thời gian nằm viện; người bệnh được hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý; người bệnh được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý trong thời gian nằm viện… cũng chưa cao.

Thiếu nhân lực trình độ cao

Nguyên nhân chính dẫn đến việc công tác dinh dưỡng trong các bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức là do thiếu nhân lực được đào tạo chính quy về dinh dưỡng; các bệnh viện tuyến quận, huyện chưa được quan tâm nhiều về dinh dưỡng như nhân lực, đào tạo… Một số bệnh viện chưa thật sự quan tâm đến công tác dinh dưỡng mà chỉ làm để đối phó với các đoàn kiểm tra. Hiện nay, hầu hết cán bộ dinh dưỡng đang là việc tại bệnh viện chỉ được đào tạo qua 3 tháng, không có chuyên môn sâu nên còn hạn chế nhiều trong chăm sóc phục vụ người bệnh.

Được biết, hiện nay cả nước chỉ có duy nhất trường ĐH Y Hà Nội đào tạo chuyên sâu về cử nhân dinh dưỡng. Năm 2013, trường ĐH Y Hà Nội đã xây dựng thành công ngành đào tạo cử nhân dinh dưỡng với 187 sinh viên tham gia học ngành cử nhân dinh dưỡng. Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực ngành dinh dưỡng trình độ đại học đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, khóa đầu tiên tốt nghiệp mới chỉ có 43 cử nhân ngành dinh dưỡng. Con số này quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế của nguồn nhân lực ngành.

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngành dinh dưỡng hiện nay, PGS. TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, Bộ Y tế cần mở rộng đào tạo cán bộ dinh dưỡng tại các trường đại học, cao đẳng y tế. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Lãnh đạo các bệnh viện cần căn cứ vào bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện để đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực chuyên ngành dinh dưỡng…

Bác sĩ dinh dưỡng là chuyên gia y tế có nhiệm vụ phòng ngừa những rủi ro về tim mạch, huyết áp, tiểu đường,... tránh tình trạng quá tải của trọng lượng, hướng dẫn cách ăn uống lành mạnh, đảm bảo chất lượng và cân bằng dinh dưỡng của bệnh nhân theo lối sống, sức khỏe và tuổi tác của họ. Công việc của các bác sĩ dinh dưỡng là tổ chức chăm sóc, theo dõi bệnh nhân và can thiệp vào suốt chuỗi ăn uống, từ việc mua thực phẩm đến việc ước lượng các bữa ăn để soạn thảo các thực đơn.

 


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh