Đầu tư vốn “khủng” tiếp tục đổ vào nông nghiệp công nghệ cao
- Huyệt vị
- 16:20 - 09/03/2017
“Quả trứng 800 tỷ đồng” và làn sóng mới của doanh nghiệp nội
Tuần qua, Công ty cổ phần ĐTK - doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam - đã chính thức khánh thành giai đoạn I Nhà máy Sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ. Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất trứng dám “chơi sang”, nhập khẩu toàn bộ công nghệ hiện đại nhất thế giới trong lĩnh vực này. Nhìn vào danh mục đối tác của ĐTK, bao gồm: Ise Food, Avril, Aviagen, Cargill, Agrotop, Nabel, Hytem, Chubu, Eonik, Merial - những tập đoàn cung ứng công nghệ chăn nuôi hàng đầu thế giới - có thể thấy độ “chịu chơi” của công ty này.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn các ngân hàng cho vay NNCNC, nhằm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.(ảnh MH Internet)
Có số vốn đầu tư 800 tỷ đồng, Công ty dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường 175 triệu quả trứng. Với sự đầu tư bài bản, toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, lãnh đạo ĐTK tự tin vào thành công của Dự án. Tuy lô trứng đầu tiên phải đến tháng 4/2017 mới ra mắt, song đã có 6 nhà phân phối ký hợp đồng tiêu thụ với công ty này.
Ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ cho hay, 2 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã thu hút được khoảng 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nhiều dự án lớn đầu tư vào NNCNC của ĐTK, Dabaco, Hòa Phát...
Không riêng Phú Thọ, nhiều địa phương cũng đang quy hoạch khu NNCNC để gọi vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Trong tháng 2/2017, Tập đoàn TH tổ chức khởi công Dự án NNCNC trị giá 3.000 tỷ đồng tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển NNCNC Hà Nam (Công ty con của PAN Group) sau khi rót 75 tỷ đồng cho dự án hình thành một vùng chuyên sản xuất rau quả xuất khẩu ở Hà Nam (dự kiến tháng 5/2017 sẽ có sản phẩm cung ứng ra thị trường), cũng đã lập kế hoạch mở rộng quy mô dự án, nâng vốn đầu tư lên 100 tỷ đồng.
Hàng loạt dự án quy mô lớn đổ vào nông nghiệp của các doanh nghiệp trong nước cho thấy, NNCNC đã thực sự hấp dẫn doanh nghiệp.
Chính sách ưu đãi: vừa làm vừa gỡ
Cùng với làn sóng đầu tư vào NNCNC của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách, đặc biệt là tháo gỡ về vốn và tích tụ đất đai.
Về vốn, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông - NN&PTNT) cho hay, ngay trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành bộ tiêu chí về NNCNC để trình Chính phủ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trên cơ sở tiêu chí cụ thể của Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn các ngân hàng cho vay NNCNC, nhằm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank cũng đã công bố sẽ giành hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay chương trình này. Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và Bộ NN&PTNT, họ sẽ ưu tiên giành vốn để cho vay các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, các ngân hàng sẽ bố trí vốn ưu đãi để cho vay các doanh nghiệp đầu tư NNCNC, với lãi suất có thể thấp hơn 7%/năm.
Với vướng mắc về tích tụ đất đai, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã rà soát và tổng hợp 7 vướng mắc về đất đai để gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất sửa đổi. Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài Nguyên môi trường sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này.
Thực tế, thời gian qua, để gọi vốn đầu tư vào NNCNC, nhiều địa phương như Thái Bình, Hà Nam… đã làm rất tốt công tác tích tụ ruộng đất. Đây cũng là lý do khiến vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của các tỉnh này tăng mạnh.