THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:47

Thúc đẩy sản xuất để đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nông nghiệp

 

Trước tình hình đó, Bộ đã tập trung phối hợp với các Bộ, địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ bù, cơ cấu cây trồng phù hợp để nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống; có phương án chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi.

 

Những tháng đầu năm 2017, thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường – vụ Đông Xuân ấm, mưa trái vụ... (ảnh MH Internet)

 

Sản xuất nông nghiệp ổn định 
Tính đến 15/2, cả nước đã gieo cấy được 2.849 nghìn ha lúa Đông Xuân, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương ở miền Bắc đã gieo cấy đạt 932,3 nghìn ha lúa Đông xuân, bằng 130,6% cùng kỳ. Miền Nam đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa Đông xuân, tổng diện tích đạt 1.917,1 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng vùng ĐBSCL xuống giống đạt 1.538,2 nghìn ha, bằng 99,1% cùng kỳ, đã thu hoạch đạt 524.255 ha, năng suất ước đạt 60 tạ/ha. 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao việc các địa phương chủ động phương án lấy nước, tích cực gieo cấy vụ Đông Xuân, nhất là những vùng như Tây Nguyên, Nam Trung bộ, 2-3 năm trước đây bị khô hạn, không gieo cấy được, nhưng năm nay đã gieo cấy đủ; riêng chỉ có gần 1.000ha ở Bình Định và Phú Yên bị ngập nước không cấy lúa được, có thể chuyển sang cây ngắn ngày khác.

 

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong buổi họp chỉ đạo các lĩnh vực của ngành.

 

Đặc biệt, đối với 524.255ha trà lúa Đông Xuân gieo sớm ở ĐBSCL năm nay, dù năng suất không cao (khoảng 60,2 tạ/ha) nhưng lại được giá, với mức tăng tăng 10-12% và hiện người dân đã bán hết lúa. Hiện nay, giá lúa tươi đang có xu hướng ổn định, tăng từ 100-300 đồng/kg. Với khoảng 1 triệu ha lúa thu hoạch trong tháng 3 tới, năng suất dự kiến đạt khoảng 70-72tạ/ha. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu cân đối sản lượng thu hoạch lúa trong tháng 3/2017 cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu và chuẩn bị cân đối gạo cho dữ trữ quốc gia nên năm nay có thể không cần phải dự trữ lúa gạo như mọi năm.

Đối với lĩnh vực Thủy sản, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 174.000 tấn. Như vậy, 2 tháng đầu năm sản lượng khai thác đạt 389 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ; trong đó khai thác biển ước đạt 373 nghìn tấn, tăng 1,3%; khai thác nội địa ước đạt 16 nghìn tấn. Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ở 3 tỉnh miền Trung đạt 3.560 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 2 ước đạt 253.000 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng, sản lượng nuôi trồng đạt 463.000 tấn, tăng 1,2%. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra ước đạt 2.154ha, giảm 10,6%; sản lượng ước đạt 179.700 tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích thả nuôi tôm cả nước đạt 448.300ha, tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2016; sản lượng ước đạt 43.700 nghìn tấn, tăng 23,89%. Riêng vùng ĐSBSCL, diện tích nuôi tôm nước lợ là 438.700ha với sản lượng ước đạt 39.300 tấn. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 852.000 tấn, tăng 3% so với tháng 2/2016.
Trong tháng, Bộ đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình xuất, nhập khẩu, lưu thông vận chuyển sản phẩm chăn nuôi trên thị trường góp phần bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là nguy cơ lây lan cúm A/H7N9.

Theo số liệu ước tính của TCTK, tháng 2/2017, đàn trâu, bò phát triển ổn định, ước tính đàn trâu cả nước giảm khoảng 0,1%, đàn bò tăng khoảng 1,9 – 2,1% so với cùng kỳ năm 2016; đàn lợn tăng khoảng 4,5 – 5,2%; đàn gia cầm tăng khoảng 4,3 – 4,8%. Riêng chăn nuôi lợn, hiện giá thịt lợn đang tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi dao động ở mức 33.000-36.000đ/kg.
Về Lâm nghiệp, tính đến 20/2 cả nước đã chuẩn bị được 130,5 triệu cây giống; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 4.860 ha, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 74.445 ha, giảm 38,8%; khoanh nuôi tái sinh ước đạt 109 nghìn ha, giảm 25,5%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 1.286 nghìn ha, tăng 23,6%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 875 nghìn m3, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 23/2, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là 1.221 vụ (giảm 22% so với T2/2016); trong đó, có 77 vụ phá rừng, thiệt hại 28 ha (phá rừng tập trung ở Lâm Đồng, Đăk Nông); đã xử lý 1.054 vụ, tịch thu 2.419m3 gỗ các loại (1.787 m3 gỗ tròn và 632 m3 gỗ xẻ các loại); xảy ra 16 vụ cháy rừng làm thiệt hại 32 ha rừng (giảm 60% so với cùng kỳ). Lũy kế 2 tháng, tổng số vụ vi phạm là 2.698 vụ (giảm 18,0%); diện tích rừng bị thiệt hại là 125 ha (giảm 61,9%), thu nộp ngân sách 6,2 tỷ đồng.

Mưa trái mùa ảnh hưởng lớn đến trồng trọt
Những tháng đầu năm 2017, thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường – vụ Đông Xuân ấm, mưa trái vụ... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Vụ Đông Xuân ấm, ít mưa cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, đặc biệt việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với giống vải thiều Thanh Hà – giống chủ lực trong sản xuất vải hiện nay. “Năm nay, nhìn chung tổng thể ngành trồng trọt không bị ảnh hưởng nặng nề nhưng mưa trái mùa ở các tỉnh phía Nam đã tác động đến tất cả các vùng sản xuất từ đèo Hải Vân trở vào” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đối với cà phê, điều, 20% số lượng hoa trà đầu bị ảnh hưởng, nhưng rất may trong thời điểm hiện nay thời tiết tốt hơn, nắng và khô ráo, thời điểm này đang tập trung ra hoa chính vụ, nên có lợi hơn. Riêng cây tiêu, bệnh chết nhanh chết chậm xảy ra từ lâu, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt..., nhưng do mưa vào thời điểm này nên dịch bùng phát sớm. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, mưa trái vụ đã khiến bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây hồ tiêu tăng nhanh, đặc biệt ở Đắk Lắk.

“Năm trước tỉnh này chỉ có vài chục ha hồ tiêu mắc bệnh, nhưng năm nay riêng chết chậm đã lên tới 1.100ha, chết nhanh 580ha (năm ngoái là 20ha)” – ông Dương cho hay. 
Với cây điều, ông Dương cho biết, hiện có 27.400 ha bị nhiễm bọ xít muỗi, trong đó diện tích nhiễm nặng là 6.000 ha (chủ yếu ở Lâm Đồng). Bên cạnh đó, hiện có 33.000ha lúa của 5 tỉnh Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp bị sâu lăn, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 15.000 ha (chủ yếu ở Kiên Giang và Long An). “Thời điểm này ĐBSCL đang khô và ít mưa, ẩm độ thấp sâu lăn này bị hạn chế” – ông Dương cho hay. 
Trước diễn biến bất lợi cho ngành trồng trọt – lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giao Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp vào Tây Nguyên kiểm tra đánh giá tình hình cho sát thực tế; chỉ đạo các Cục và đơn vị liên quan đưa ra gói kỹ thuật để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bộ trưởng cũng giao các khối, mảng căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng phụ trách và kế hoạch đặt ra, cần bám sát, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa nhiệm vụ của mình với tinh thần người đứng đầu chịu trách nhiệm. 

Bộ trưởng lưu ý Cục BVTV, Cục Trồng trọt theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là trên lúa, điều, tiêu, cà phê… để đưa ra những phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Cùng với yêu cầu theo sát, dự báo chính xác tình hình sâu lăn đối với vụ Đông Xuân và Hè Thu, Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương ĐBSCL bố trí cơ cấu gieo cấy lúa hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào gieo sạ các giống lúa nếp do có thể gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ. Hiện Cục Trồng trọt đã có công văn nhắc nhở để các địa phương quán triệt, phổ biến cho dân, không tăng cơ cấu giống lúa nếp trong vụ Hè Thu. 
Đối với phía Bắc, Bộ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt và Cục BVTV bám sát diễn biến nhiệt độ ở miền Bắc để có kịch bản ứng phó sớm với những diễn biến của thời tiết. “Năm nay có chuyện rất khó xử là 2 tháng đầu rất ấm, tổng tích ôn tăng, nhưng nhìn vào chỉ thị xoan với tre thì diễn biết rất phức tạp, có thể 25/4 trà sớm trỗ, vẫn có khả năng rét nàng Bân; năm nay lại nhuận 2 tháng 6 nên hết sức khó đoán về vụ Đông Xuân của miền Bắc, phải hết sức thận trọng, để đưa ra kịch bản để ứng phó” – Bộ trưởng chỉ đạo. Với cây nhãn, vải ra hoa muộn, Bộ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt cần tập trung cán bộ, chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc để “dù có giảm một chút về sản lượng, nhưng được giá”.

Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy sản chú trọng, tập trung chỉ đạo sản xuất 2 đối tượng chính là tôm, cá tra. Trước mắt, Tổng cục Thủy sản cần sớm hoàn thành kế hoạch tổng thể phát triển ngành tôm theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ giao - tháng 3 Bộ phải trình Chính phủ.

Quan điểm của Bộ trưởng là giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 700.000-800.000ha, nhưng tập trung vào các giải pháp: thâm canh, quảng canh hợp lý, đi vào chuỗi giá trị, kiểm soát và mở thị trường để tạo đà tăng trưởng cho ngành tôm. Về cá tra, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản quan tâm giải quyết câu chuyện về giống, đảm bảo không những đủ giống mà chất lượng giống phải tốt. Theo dự báo, năm nay giá cá tra sẽ duy trì ổn định ở mức cao. Về thị trường, mặc dù có khó khăn ở Mỹ, EU, nhưng Trung Quốc lại đang có những đơn đặt hàng lớn và cá càng to càng đắt.
Liên quan đến việc khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp kiểm tra các tỉnh về công tác thanh quyết toán, đồng thời phối hợp với Bộ Y tế, Công thường xử lý gần 1.000 tấn hải sản không an toàn. Theo Tổng cục Thủy sản, đến ngày 18/2, 4 tỉnh đã giải ngân được 3.330 tỷ đồng trên tổng số 4.680 tỷ đồng mà Chính phủ đã tạm ứng cho 4 tỉnh, trong đó tỉnh Quảng Bình giải ngân cao nhất, đạt 75-76%; Các tỉnh đến nay cũng đã tiêu hủy được 839 tấn hải sản trên tổng số 966 tấn không đảm bảo an toàn.

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh