Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển
- Bài thuốc hay
- 12:44 - 28/02/2018
Sau 25 năm, tính từ 1993, qua 2 lần cải cách tiền lương (1993, 2004) đời sống người hưởng lương, đặc biệt là công chức ít được cải thiện. Tuy nhiên, tiền lương công chức hành chính không đủ sống nhưng thu nhập lại khá cao. Điều đó chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương, thưa ông?
Rõ ràng với mức lương của cán bộ, công chức hiện nay thì chỉ có thể có mái nhà đơn sơ thôi chứ không có cách gì để có biệt phủ nguy nga được, trừ khi có tài sản của cha ông để lại hoặc cách gì đó ngoài lương. Kể cả lương cán bộ công tác 30-40 năm và lên đến chức bộ trưởng, lương 20-30 triệu/tháng, cả đời cũng không thể có biệt phủ.
Đây là mâu thuẫn có tính bản chất của tiền lương khu vực hành chính công hiện nay. Có nghĩa là cơ chế tiền lương của ta hiện nay đã bị phá vỡ, không còn bản chất của tiền lương nữa.
Theo nguyên lý chung, phần lương chính bao giờ cũng chiếm 70% trở lên trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp tối đa không quá 30%. Nhưng ở nước ta, điều này ngược lại, tiền lương lại bé hơn phần phụ. Một bộ phận cán bộ, đặc biệt cán bộ công chức liên quan đến các dịch vụ công, lương thấp nhưng họ làm thêm bên ngoài hoặc thu nhập chính bằng “cảm ơn”, phong bao phong bì… rất cao.
Rất nhiều người giàu có bằng “chân ngoài”, bằng làm thêm và hình như họ vào công chức cho có vị trí để hưởng các chính sách và quyền lợi khác chứ không phải để kiếm thu nhập từ lương.
Từ đó dẫn đến ai cũng nói công chức lương thấp nhưng khi tuyển dụng người ta lại tuyển con cháu, người thân quen, thậm chí có người phải bỏ tiền để được vào công chức nhà nước.
Tất cả những việc chạy chọt để vào công chức nhà nước để có vị trí, việc làm cũng như chạy chọt để được đề bạt, cất nhắc rõ ràng bao giờ họ cũng xem tiền bỏ ra là đầu tư ban đầu, dứt khoát phải thu lại vốn. Điều này cũng nói lên sự không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ công chức.
Chính sách tiền lương hiện nay liệu có phải là nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả trong công việc với những công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”?
Đúng như vậy, tiền lương hiện nay đã không còn đúng với ý nghĩa của nguyên tắc phân phối theo lao động và phải căn cứ trên năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Trong khi nâng lương chỉ dựa vào thâm niên, đến hẹn lại lên, đó chính là chỗ dựa cho một bộ phận cán bộ “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Bộ máy hành chính lại quá công kềnh, chưa bố trí sắp xếp cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thước đo hiệu quả công việc chưa có tiêu chí là căn nguyên của tình trạng kém hiệu quả, không tạo được động lực tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển.
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH
Chỉ riêng năm 2017 đã có nhiều biệt phủ bị lộ diện đều là tài sản của quan chức hoặc người thân các quan chức. Ông đánh giá thế nào về việc kê khai, công khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay?
Cán bộ, công chức Nhà nước mà có tài sản lớn từ nguồn gốc hợp pháp, chính đáng thì đáng khích lệ. Còn tài sản không có nguồn gốc và tăng nhanh phi mã thì rõ ràng có vấn đề, tôi nghĩ việc này không bao giờ qua được mắt nhân dân và nếu không kê khai một cách trung thực đầy đủ nguồn gốc tài sản là có vấn đề. Vừa qua một số người giàu lên nhanh chóng mà không được kê khai là do cả lỗ hổng từ hệ thống pháp luật và tinh thần trách nhiệm của cán bộ Đảng viên, do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng là rất cần thiệt.
Vậy theo ông, cần có những giải pháp đột phá gì để giải “bài toán” tiền lương hiện nay?
Trước hết, phải đổi mới hơn nữa về tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho cán bộ, công chức chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng. Bản chất tiền lương công chức là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức Lao động thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất. Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động và tương đương mức lương trong khu vực thị trường; với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của lao động công chức hành chính, nên phải được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau khu vực lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu của công chức hành chính chỉ có thể được điều chỉnh dựa trên sự tương quan với lương tối thiểu của các khu vực; hệ số nuôi con của công chức hành chính; hệ số tương quan với thị trường lao động; hệ số vùng; hệ số tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hai là, phải đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương, bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động. Xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, tiến kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc cải cách cơ bản tiền lương công chức. Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước, việc đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; khoán biên chế và khoán chi hành chính hằng năm; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức sao cho phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; phải coi việc đào tạo nâng cao trình độ của người công chức hành chính là một công việc hệ trọng đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế. Đồng thời, tuyển dụng những người có đức, có tài, thật sự tâm huyết với nghề nghiệp và kiên quyết đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi đội ngũ công chức.
Ba là, tạo nguồn tiền để tăng lương là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương vào thực tiễn đời sống với đúng ý nghĩa của nó, tiền lương gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Nhưng việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng, sẽ có lợi về lâu dài cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhân văn.
Bốn là, tiến hành rà soát lại đội ngũ công chức hành chính vừa để nâng cao chất lượng vừa để giảm những công chức không có năng lực hoặc biến chất; nghiên cứu xây dựng các phương án đào tạo bồi dưỡng công chức hành chính để nâng cao trình độ đáp ứng được công việc, các phương án sử dụng số lao động dôi dư; dựa vào kết quả hệ thống công vụ được thiết kế, hệ thống chức danh công chức được điều chỉnh, đối chiếu lại các mức lương trong bảng lương công chức đã được sắp xếp lại để đảm bảo có sự tương xứng cần thiết.
Năm là, thiết lập cơ chế tuyển dụng, đào thải công chức hành chính khoa học, chặt chẽ và nghiêm minh trên cơ sở những tiêu chuẩn cán bộ đã được xác lập. Đào tạo, tuyển dụng và đào thải là hai mặt của một vấn đề, phải gắn chặt với nhau. Tuyển dụng linh hoạt và đào thải cũng linh hoạt, phải coi đó là việc bình thường, thường xuyên trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, việc tuyển dụng và đào thải cán bộ phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch và dựa trên các tiêu chuẩn cũng như kết quả đánh giá khách quan. Việc tuyển chọn, bố trí nhân lực là chất lượng đầu vào và bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo, quản lý cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn công khai, có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng viên; tiền lương và các chính sách kèm theo phải có sự công khai, minh bạch; trả lương theo đúng vị trí việc làm và mức độ cống hiến của họ.
Sáu là, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm đây là vấn đề rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Khắc phục tình trạng yếu kém hiện nay và đảm bảo công tác này đi vào thực chất, khách quan, minh bạch.
Quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương đòi hỏi có sự cải cách đồng bộ với nhiều chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: Cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách trợ giúp xã hội; đồng thời phải xuất phát từ tình hình bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe, giaikhe
7 tháng trước
Tin nên đọc