THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:46

Quản lý nhà nước về lao động, tiền lương có chuyển biến rõ rệt

 

Quản lý nhà nước về lao động, tiền lương có sự chuyển biến rõ rệt (Ảnh minh họa)

Hoàn thiện chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017, bà Tống Thị Minh-Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương khái quát, năm 2017, Cục đã tập trung giải quyết một khối lượng lớn công việc chuyên môn, bám sát kế hoạch đề ra, đảm bảo tiến độ và chất lượng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như xây dựng các báo cáo chuyên môn, kịp thời đề xuất các giải pháp cho từng vấn đề cụ thể, đảm bảo phù hợp đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương bà Minh khẳng định có  sự chuyển biến rõ rệt, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương của các doanh nghiệp có xu hướng giảm; tiền lương, thu nhập của người lao động tăng so với năm 2016. “Chính sách lao động, tiền lương được hoàn thiện hơn theo nguyên tắc thị trường”-bà Minh nhấn mạnh.

Về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, Lãnh đạo Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cũng khẳng định ở lĩnh vực này từng bước được củng cố và phát triển. “Tranh chấp lao động và đình công có xu hướng giảm, đời sống của người lao động được cải thiện một bước”-bà Minh thông tin thêm.

Chia sẻ những kết quả trên, bà Minh cho rằng, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, Cục vừa coi trọng các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, những vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm và những vấn đề đột xuất theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; thường xuyên tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan, phối kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên; coi trọng công tác cải tiến, đổi mới lề lối làm việc.

Thảo luận về công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ của ngành, bà Lê Kim Dung-Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, trong thời gian tới, Cục Quan hệ Lao động và Tiền Lương cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế, chính sách theo chức năng, nhiệm vụ mới: đó là chính sách đối với lao động đặc thù (lao động nữ, lao động cao tuổi, lao động khuyết tật, lao động chưa thành niên, lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao, lao động làm việc tại nhà và vấn đề cho thuê lại lao động. Bà Dung cũng lưu ý, Cục cần tiếp tục nghiên cứu chính sách tiền lương của lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ chế, thủ tục về đăng ký và quản lý các tổ chức đại diện người lao động...

Trong khi đó, ông Phạm Trường Giang-Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội góp ý, Cục cần tổ chức kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm: "Đối với doanh nghiệp FDI kiểm tra việc thực hiện các chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỷ luật lao động, chi trả chế độ thôi việc, mất việc đối với người lao động, thỏa ước lao động tập thể, đối thoại tại nơi làm việc ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm”-ông Giang phát biểu.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Làm rõ vai trò quản lý nhà nước về lao động, tiền lương

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương trong năm 2017. “Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách, xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến tiền lương. Trong năm 2017, nhiệm vụ của Cục có vai trò rất quan trọng đó là xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực sản xuất, kinh doanh”-Thứ trưởng nhận xét.

Thứ trưởng cũng cho rằng, trong năm qua, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cũng triển khai rất tốt việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn, rà soát, đánh giá đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật Lao động 2012 thuộc lĩnh vực chuyên môn của Cục, đồng thời chuẩn bị các Nghị định triển khai thực hiện theo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi). Cục cũng kịp thời phát hiện những bất cập của một số văn bản quy phạm pháp luật về lao động, tiền lương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Về triển khai hướng dẫn các quy định của pháp luật lao động kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp Cục cũng triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Về nhiệm vụ trong năm 2018, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, trong năm 2018, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cần xây dựng mối quan hệ lao động thực chất hơn, hài hòa, ổn định hơn. Xây dựng báo cáo quan hệ lao động năm 2017, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng về quan hệ lao động Việt Nam, làm cơ sở để đề ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động trong thời gian tới. "Cục phải chủ động, nghiên cứu xây dựng tổ chức đại diện người lao động, đó là đăng ký làm sao, tổ chức thực hiện, hoạt động như thế nào...”-Thứ trưởng gợi ý.

Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2018 liên quan đến vấn đề sửa đổi Bộ Luật lao động sẽ có rất nhiều tư tưởng mới trong cải cách chính sách tiền lương, với sự xuất hiện tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh công đoàn nên có rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quan hệ lao động cần phải nghiên cứu một cách thỏa đáng.

Đồng thời Cục cũng cần chuẩn bị các căn cứ lý luận, thực tiễn, đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2018 để phục vụ Hội đồng Tiền lương quốc gia thương lượng, đề xuất Chính phủ về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2019; nghiên cứu việc quy định mức lương tối thiểu theo giờ đối với công việc làm không trọn thời gian; Triển khai đúng chất lượng, tiến độ cuộc khảo sát chuyên đề về tiền lương trong doanh nghiệp năm 2018, làm cơ sở cho điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2019...

VĂN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh