Dấu tận đáy mùa thu
- Văn hóa - Giải trí
- 13:03 - 11/01/2016
Tôi là người thường tiết kiệm những hy vọng, tiết kiệm cả những ước mơ, dù nhiều người hay nói, mơ thì đâu có mất đồng nào, tội gì không mơ ước? Nhưng khi anh xài miễn phí một cái gì, mà xài nhiều, sớm muộn gì anh cũng phải trả giá. Đừng nghĩ mơ ước là miễn phí, thì muốn ước mơ bao nhiêu cũng được. Với lại, trong hoàn cảnh của đất nước mình, tiết kiệm được cái gì tốt cái ấy, dù là tiết kiệm những ước mơ. Kể cả những ước mơ chính đáng, những ước mơ tốt đẹp, vì khả năng để thực hiện được chúng là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể. Tôi không phải người bi quan, cũng không phải người lạc quan. Tôi chỉ là người không viển vông. Cứ lặng lẽ làm việc, rồi mùa hạ trôi qua lúc nào không biết. Tới khi mùa thu nhè nhẹ đi ngang cuộc đời mình, mới giật thót. Đây là mùa đẹp nhất nếu anh ở bên ngoài nhìn vào, còn nếu anh đang trong lòng nó, thì chưa chắc. Bởi đây là mùa “đặc biệt nhạy cảm” nói theo ngôn ngữ chính trị của Việt Nam bây giờ, mà những linh cảm nhoi nhói kiểu như “Mùa lá rụng”-tên một bài thơ của Olga Berggoltz-thì trong nhiều bản dịch bài thơ tuyệt hay này, Bằng Việt là người có ý thức nhất khi dịch câu “Tránh đừng động vào cây,mùa lá rụng!”(nguyên văn tiếng Nga là: "Осторожно, листопад!"). Theo bản dịch nghĩa, thì câu này chỉ dịch đơn giản là: “Coi chừng lá rụng!”. Nhưng nếu chỉ dịch như thế, thì “chủ thể cây” ẩn dấu phía sau câu thơ sẽ biến mất. Mà nó mới là “khổ chủ” ta nên tránh đụng vào khi mùa lá rụng, vì mỗi cú đụng chạm vô tình vào thân thể cây như thế sẽ làm cây rất đau. “Cây” ở đây, khi tuổi đã ở độ vào thu, rất dễ bị tổn thương dù vẫn còn đầy khao khát:
“ Ôi trái tim, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố phường xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa và giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình ?
Tôi có thể yêu ai ? Ai làm tôi vui sướng ?
“ Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất” ( Bản dịch của Bằng Việt)
Cần và không cần, thèm sẻ chia nhưng rất cô đơn, dễ tổn thương mà chưa dứt được niềm khao khát, muốn thiền định mà tâm còn động, đó là mùa thu của cuộc đời mỗi con người. Lá đang rụng, những chiếc lá xanh sống nay đã chuyển màu vàng, rồi tự động đứt cuống. Tránh đừng động vào cây thời điểm ấy, chứ không phải “coi chừng lá rụng”, vì lá rụng theo qui luật tự nhiên, chẳng có gì phải “coi chừng” cả. Cứ theo bài thơ này mà suy, thì “mùa lá rụng” cũng đáng ngại thật đấy. Nhưng vì không thể tránh, nếu đang còn sống, đang còn những mơ ước những khát khao dù dè sẻn, nên chẳng ai dại gì đi đường vòng để tránh mùa thu cả. Vui vẻ, mở lòng ra đón nó, dù thế nào, đó là cách sống khiến mình gần với thiên nhiên hơn, gần hơn với “qui luật muôn đời” hơn.
“ Tôi cần gì ư ? Một giọt sữa
Một mẩu bánh mỳ
Và cả trời ấy
Và mây ấy”
Bài thơ này của một nhà thơ Nga tôi không nhớ tên, không nhớ quyển sách đã trích dẫn bài thơ, nhưng nhớ là sách do nhà văn Cao Xuân Hạo dịch từ tiếng Nga. Không nhớ cả quyển sách, nhưng bài thơ ngắn thì nhớ. Đủ biết, làm thơ ngắn lợi hại thế nào. Tôi đã viết rất nhiều bài thơ ngắn, nhưng cũng viết nhiều trường ca, và không biết giữa những bài thơ ngắn và những trường ca mình viết, thì cái nào “thọ” hơn ? Nhưng thơ ngắn thường dễ nhớ dễ thuộc, nếu quả thực nó là thơ hay. Những năm tháng đi qua đời mình rất nhanh, những bài thơ ngắn cũng hình thành trong đầu và hiển hiện trên trang giấy( hay trang word vi tính) rất nhanh. Với những trường ca, thì ngược lại. Để hình thành một cấu trúc trường ca, cần nhiều sự đầu tư, cần cả thời gian. Viết ra nó cũng mất rất nhiều công sức và thời giờ. Nhưng khả năng còn lại, thì nó hoàn toàn không hơn một bài thơ ngắn. Nguyễn Vỹ chỉ có hai bài thơ được Hoài Thanh đưa vào “Thi nhân Việt Nam” là bài “Sương rơi” và bài “Gửi Trương Tửu”. Cả Nguyễn Vỹ và Trương Tửu đều bị nghi ngại trong một thời gian rất dài ở miền Bắc. Vậy mà hai bài thơ ngắn của Nguyễn Vỹ sống tươi vui cho tới tận ngày nay. Nhất là bài thơ “Gửi Trương Tửu” rất ngông ngạo mà tuyệt chân thành, nó khiến nhiều thế hệ yêu thơ Việt Nam nắc nỏm và…sướng khi đọc lên. “Nhà văn An Nam khổ như chó” là câu thơ được nhớ trong bài thơ này, dù cái số khổ của chó là gắn với số khổ của chủ nó. Bây giờ nhiều bạn chó rất được cưng chiều vì chủ của nó đã khá giả, hơn thế, chủ đã ý thức được chó quan trọng với mình như thế nào. Tôi nhớ Việt Phương có câu thơ, ý là đừng ví người tệ như chó, vì chó hơn người rất nhiều điểm. Đúng là như vậy. Tôi tuổi Tuất, và tôi yêu thương những con chó tôi nuôi. Cũng vì gần gũi với chó, tôi thấy mình tốt hơn thuở chưa nuôi chó rất nhiều.
Trở lại với bài thơ ngắn đã trích dẫn ở trên. Thực ra, con người cũng không cần nhiều lắm. Những nhu cầu để sống thực ra cũng đơn giản. Nhưng con người lại cần rất nhiều “không gian” để sống. “Là cả trời ấy/Và mây ấy” Một nhu cầu gần như vô tận, nhu cầu tự do. Bây giờ, giữa mùa thu cuộc đời, tôi càng thấm thía điều này: những nhu cầu tinh thần bao giờ cũng rộng hơn những nhu cầu vật chất gấp nhiều lần. Tính tôi hay hài hước, hay nhìn những khía cạnh buồn cười từ những sự việc nghiêm túc. Như thế có khi cũng không ổn lắm, nhưng biết làm sao ? Cha mẹ sinh con, trời sinh tính.
Nhớ hồi học 3 tháng ở Học viện Văn học mang tên Gorki thuộc Liên bang xô viết, có lần một nhà văn Liên xô mà tôi không biết tên đến lớp chúng tôi và giao lưu ngoại khóa. Nhà văn này rất thật thà, ông nói mình chuyên viết ký. Thật tình, tôi cũng chưa được đọc tác phẩm của ông dịch ra tiếng Việt, nên không dám nói thế nào. Nhà văn Liên xô kể rằng, có lần ông sang Việt Nam thời chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông vào tận Quảng Bình đất lửa, và ở đó, ông đã bị bà con Quảng Bình nhầm ông là…Mỹ. Bà con định xông vào hành hung ông, may là người phiên dịch trong đoàn đã kịp thời ngăn chặn và giải thích ông là nhà văn Liên xô, không phải giặc Mỹ. Bà con lập tức đổi giận làm mừng, và trò chuyện với ông thật chân tình. Chuyện ông kể khá cảm động, nhưng vì tôi có tật hài hước, nên đã xin phát biểu. Tôi nói, thưa nhà văn Liên xô, nếu bây giờ (năm 1988) ông lại sang Việt Nam, lại tới thăm Quảng Bình, và lại được bà con ở đó nhầm ông là người Mỹ, thì ông trúng mánh to. Bà con sẽ đón tiếp ông vô cùng nồng hậu. Ông nhà văn Liên xô, sau khi nghe Phạm Vĩnh Cư thông dịch câu nói của tôi, đã ngớ ra. Ông không hiểu vì sao như thế ? Tôi cũng không hiểu luôn. Nhưng đúng là như vậy. Cả lớp tôi(toàn các nhà văn nhà thơ Việt) đã cười phá lên. Mà chắc cũng không ai hiểu vì sao mình cười.
Như khi uống một chai rượu vang, nhiều khi ta không biết nó xuất xứ từ đâu, được sản xuất ra như thế nào, miễn là nó khiến ta khoái khẩu, nó ngon thật tình. Vậy mà ở Pháp, rượu vang còn có ngày sinh nhật cơ đấy. Đó là ngày thứ 5 tuần lễ thứ 3 của tháng 11 hàng năm. Một ngày sinh nhật đặc biệt, vì nó không bất di bất dịch, tương tự như “Ngày của Mẹ” ở Mỹ. Tôi may mắn trong lần đầu sang Pháp dự một liên hoan Thơ quốc tế tại Paris năm 2003, tôi đã được uống chai rượu vang tươi “Beaujolais Nouveau” đúng vào sinh nhật của rượu vang Pháp, ngày thứ 5 của tuần lễ thứ 3 tháng 11 năm ấy. Đúng ngày lễ hội rượu vang, nhưng tôi không tham gia lễ hội, mà uống vang tươi Beaujolais Nouveau tại quán Foyer Viet Nam số 80 phố Monge quận 5 Paris. Với chủ quán Võ Văn Thận, với nhà văn Đặng Tiến, với hai giáo sư toán học là anh Nguyễn Ngọc Giao và anh Hà Dương Tường, chúng tôi đã mở một lúc mấy chai vang tươi lạnh…hôi hổi, và uống theo đúng kiểu uống vang tươi: uống trong vại lớn, như uống bia tươi. Cảm giác đầu tiên khi được uống chai vang tươi thật kỳ lạ: cứ như cả mùa nho của nước Pháp ùa vào cổ họng mình. Bao nhiêu tươi tốt, an lành, mát rượi khiến mình ngây ngất. Ngày sinh của một chai vang, của những cánh đồng nho nước Pháp sao mà đầy cảm xúc! Chỉ trong 10 ngày, từ những chùm nho tươi nguyên quả và nguyên cuống trên những cánh đồng nước Pháp, rượu vang đã được đóng vào chai và phục vụ người sành vang trên toàn thế giới. Tôi nhìn kỹ chai vang tươi Beaujolais, nó thật giản dị, y như sự giản dị của một chùm nho tươi. Mùa thu nước Pháp đấy! Nào ai dám bảo mùa thu buồn ? Mùa thu sinh nhật rượu vang, vui nổ trời ấy chứ! Cả nước Pháp như ngây ngất trong không khí lễ hội, ngây ngất trong mùi vang tươi thân gần và quyến rũ. Chỉ có lao động giản dị, chỉ có người lao động giản dị mới tạo ra được những ngày lễ hội, ngày sinh nhật như ngày sinh rượu vang tươi “Beaujolais Nouveau” ấy. Với vang tươi, mùa thu nước Pháp không chỉ có lá vàng rụng trên thảm cỏ xanh các công viên, còn có niềm hứng khởi mỗi năm chỉ đến một lần. Chỉ cần “một giọt…vang” ấy, cộng với trời và mây mùa thu nước Pháp, tôi đã được tiếp thêm rất nhiều năng lượng sống.