CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Đầu năm lên rẫy

Giữa bạt ngàn  những nương ngô xanh mướt, những rẫy cà phê mới thu hoạch xong, dưới thung lũng là những cánh đồng còn thơm mùi rơm mới, già làng K’ Minh, ở bản Leng (huyện Di Linh) kể cho chúng tôi về tập tục đầu năm lên rẫy của người Cờ Ho: “Người Cờ Ho quan niệm đất rẫy là thuộc quyền sở hữu của công xã làng, tức tài sản chung của mọi người.

Ngôi nhà “rnú” được người dân làm bên rẫy.

Do đó, ai cũng có quyền canh tác và hưởng sản phẩm làm ra. Nhưng, người chủ làng là đại diện cho mọi người trong làng để quản lý vùng đất rừng làm rẫy. Cứ vào dịp đầu năm, chủ làng (già làng) phát động bà con cùng lên nương làm rẫy, cầu mong có một năm mới sung túc và tốt đẹp”.

Từ sáng sớm tinh mơ, khi gà vừa cất tiếng gáy và ông mặt trời còn chưa mọc là dân làng đã kéo nhau lên nương. Những cô gái vai gùi nhu yếu phẩm, mang theo con cái, nam giới tay cầm xà gạc (dụng cụ phát cỏ), trong khi những cụ già và các  nghệ nhân đem theo những bộ cồng chiêng cổ động.

Đội cồng chiêng trong ngôi nhà “rnú” bên nương.

Anh K’Plều, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ dịp đầu năm, theo lời dạy của già làng, chúng tôi phải lên nương trồng trọt, chăm sóc cây trồng, cây có tươi tốt, đến mùa thu hoạch mới nhiều lúa, nhiều chè, nhiều cà phê, buôn làng mới được no cái bụng. Năm vừa rồi do dân làng lên nương nhiều nên thóc lúa cũng được nhiều, không còn lo cái đói nữa, chúng tôi mừng lắm”.

Bên nương chè...

Theo lời K’Plều, cũng từ những ngày lên nương, rẫy mà rất nhiều cặp nam nữ đã được tìm hiểu nhau và thành vợ thành chồng, như trường hợp anh K’ Mit và chị Ka Mai, anh K’Plèng và chị Ka Lan... Vì thế, lên nương đầu năm đã trở thành điểm hẹn của trai gái trong các bản làng.

 Rất thích thú với tục lệ lên nương đầu năm, chị Ka Lit vui vẻ kể: Sau ngày “bắt chồng”, cái nợ bao vây gia đình tôi vì phải giao nạp lễ vật đắt tiền khi cưới hỏi, túng thiếu vì thế cũng triền miên.

Địu con lên rẫy.

Nhưng rồi, nghe theo lời già làng lên nương làm rẫy, khi được mùa đã trả hết nợ và có của để dành. Năm nay hai vợ chồng tôi cố làm thêm nhiều nương lúa, nương chè và quyết tâm xây nhà mới vào năm sau”. Năm mới lên nương đã trở thành một nét văn hóa ăn sâu vào lòng người, bởi ai cũng thầm mong cho gia đình được no ấm.

Trong hương vị rượu cần nồng nàn của những ngày cuối năm, già là K’ Lei Sang ở Sơn Điền (huyện Di Linh) cho biết, cũng bởi chăm chỉ làm ăn, chịu khó lên nương, lên rẫy nên đồng bào Cờ Ho thường tổ chức ăn Tết và vui xuân khá lớn.

Hàng năm, khi mùa màng thu hoạch xong (thường là tháng 12 âm lịch), các buôn làng người Cờ Ho tổ chức ăn Tết ngay trên nương. Theo tục lệ, các gia đình thay phiên nhau mỗi năm hiến một con trâu để làng tổ chức lễ đâm trâu trong dịp này. Lễ được tổ chức ở ngoài trời trước nhà chủ hiến tế, chủ làng hay ở mảnh đất rộng, bằng, cao ráo của làng, với cây nêu được trang trí sặc sỡ, mọi người nhảy múa reo vui theo tiếng cồng chiêng.

Bữa tiệc đầu năm của người Cờ Ho.  

Thịt trâu một phần được nướng dưới bếp than hồng, mọi người vừa múa hát vừa ăn thịt trâu và uống rượu cần. Phần thịt trâu còn lại được chia cho từng gia đình, máu trâu được bôi vào trán những người dự lễ như một sự cầu phúc, lễ tết kéo dài 7 - 10 ngày.

Trong những ngày xuân mừng được mùa, dân làng đến chung vui với từng gia đình, sau đó mới được ăn lúa mới và thực hiện các công việc cần làm, như: Làm nhà, chuyển làng, chuyển nhà mới... Người Cờ Ho tin rằng, mọi mặt đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định, trong quan niệm của bà con  một bên là thần thánh (Yang) luôn phù hộ cho con người và đối lập với các thần linh là ma quỷ, gọi chung là Chà, luôn gây tai họa phá nhà, phá mùa, gieo rắc dịch bệnh...

Quan niệm của người Cờ Ho là các thần linh thích uống rượu và ăn thịt, vì thế cúng thần linh trên rẫy vào những dịp đầu năm mới thường có rượu cần, trâu, lợn, dê, gà... lễ cúng thần, cúng Yang ở cấp độ gia đình và làng (bon), gồm có: Lễ gieo hạt, lễ cầu lúa nhiều bông. Lễ cúng ở cấp độ làng vào lúc lúa đứng cái xanh đòng. Khi thu hoạch xong các nhà làm lễ cúng bên các kho thóc.

Đồng bào Cờ Ho có đời sống văn nghệ đặc sắc và hết sức phong phú, độc đáo. Thời gian ở trên rẫy, những bài ca đậm chất trữ tình, giàu nhạc điệu của người Cờ Ho được trai làng ca hát để động viên nhau tăng gia sản xuất.

Nhạc cụ của người Cờ Ho có nhiều nét tương đồng với các dân tộc ở Tây Nguyên, như: Bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu, đàn ống tre. Vũ điệu Cờ Ho được biểu diễn trong các dịp lễ cúng thần trên rẫy và sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất tinh tế và đầy quyến rũ.

Giai điệu cồng chiêng kêu gọi đồng bào lên nương.

Hệ thống câu đố, tục ngữ, thành ngữ, dân ca truyện cổ Cờ Ho cũng được các nam thanh nữ tú sử dụng trong những lần đối đáp trên nương. Những câu chuyện như chuyện tình Tùng – Làng, chuyện tình chàng LangBian... đã trở thành những thiên tình sử, được phổ nhạc và giai điệu tình yêu bất diệt, đã trở thành những lời hát đối đáp tìm hiểu, hẹn hò, trao duyên của các chàng trai, cô gái Cờ Ho dịp đầu năm lên rẫy.

Thói quen đầu năm lên rẫy đã trở thành nét đẹp độc đáo, một nét văn hóa của người Cờ Ho.  

Dọn nhà ra rẫy là một tập quán khá thú vị của đồng bào Cờ Ho nhân dịp đầu năm. Trước đây, bà con ở trên nương trong suốt thời gian cây lúa phát triển, cây chè lên búp, cây cà phê đơm bông...

Dân trong làng đem theo chiêng, ché, công cụ sản xuất, gia súc và ở cùng nương rẫy cho đến khi xong mùa gặt mới trở về căn nhà dài trong làng, bên cạnh đó là những bữa tiệc mừng lên rẫy đầu năm mới thật vui vẻ và đầm ấm.

 Tại rẫy, đồng bào Cờ Ho làm nhiều chòi cao gọi là “kọp”, những cái nhà thấp gọi là “rnú”. “Rnú” là chỗ để ở, còn “kọp” là nơi đến ngồi đuổi chim và khỉ vào ban ngày.

Xuân Hướng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh