Dấu mốc mới trong nâng cao chất lượng giáo dục
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:07 - 03/02/2019
GS.TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH tặng lẵng hoa chúc mừng nhà trường đón nhận Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo NGƯT, TS. Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học LĐXH, trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, trường luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo. Với yêu cầu không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở đánh giá đúng những mặt mạnh và hạn chế theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ GD&ĐT, những năm qua, trường đã triển khai 3 lần tự đánh giá, đồng thời đã đăng ký với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục về đánh giá ngoài, nhằm khẳng định chất lượng giáo dục của trường.
Với sự đánh giá nghiêm túc, khách quan, chuyên nghiệp, công khai của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài tại cả 3 cơ sở; quá trình thẩm định kết quả đánh giá chất lượng chặt chẽ của Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, ngày 30/6/2018, Trường Đại học LĐXH đã chính thức được Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục cấp Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Theo đánh giá của đoàn chuyên gia, Trường Đại học LĐXH đã đạt nhiều kết quả quan trọng về chất lượng giáo dục, tiêu biểu như: Các chương trình đào tạo hệ chính quy được trường mở mới trong 5 năm qua cơ bản đáp ứng các yêu cầu; có xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể; có thời lượng, cấu trúc phù hợp, các khối kiến thức phân bổ khá hợp lý; đảm bảo có tính liên thông. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được công bố công khai. Trường đã có nhiều hình thức và loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; các hoạt động đào tạo trong trường về cơ bản đã thực hiện theo phương thức đào tạo tín chỉ và tổ chức thi đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Năm học 2017 - 2018, Trường đã nghiệm thu được 109 bộ ngân hàng câu hỏi; làm 52.397 đề thi cho sinh viên thi kết thúc học phần và thi các học phần thay thế; đã quan tâm đến lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên; chú trọng việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của người học; thực hiện quản lý điểm thi trên phần mềm quản lý đào tạo, đúng quy trình quy định, đảm bảo kết quả học tập khách quan, công bằng. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các khảo sát như: “Lấy ý kiến phản hồi của sinh viên trước khi tốt nghiệp về chất lượng đào tạo của khóa học” đối với sinh viên đại học chính quy, vừa làm vừa học và học viên hệ sau đại học; khảo sát “Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường”. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được đảm bảo các quyền dân chủ trong trường, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước; có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ. Tính đến cuối năm 2018, trong tổng số 496 giảng viên, trường có 1 Phó Giáo sư, 90 Tiến sĩ: 371 Thạc sĩ và 34 cử nhân.
Trường đã thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người học; tỷ lệ người học tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành đào tạo trong năm đầu sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%. Công tác NCKH, hợp tác quốc tế đã được quan tâm và đạt những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống giáo trình, tài liệu học tập là sản phẩm của các đề tài khoa học đã được biên soạn và cập nhật, hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị giảng dạy, học tập và NCKH đã được đầu tư cơ bản; có hệ thống máy tính, hệ thống đường truyền cáp quang kết nối internet phục vụ công tác quản lý và học tập; thư viện đã đáp ứng một phần giáo trình, tài liệu theo yêu cầu và được bổ sung hàng năm.
Một tiết mục văn nghệ của sinh viên Trường Đại học Lao động - Xã hội trong Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, những điểm nổi trội được đánh giá cao, hoạt động đào tạo của trường cũng còn một số hạn chế như: Công tác tuyển sinh đại học chính quy của nhà trường hàng năm đạt chỉ tiêu những vẫn còn có khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đầu vào trong bối cảnh đang có sự phân hóa và cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường đại học. Quy mô sinh viên, học viên trong trường phân bổ chưa đồng đều, tập trung nhiều vào ngành: Quản trị nhân lực, Kế toán, CTXH. Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quy đổi của từng ngành đào tạo vẫn còn mất cân đối. Các cán bộ, giảng viên có trình độ Tiến sĩ thuộc các chuyên ngành đào tạo mặc dù đã tăng nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Trường cũng chưa xây dựng được hệ thống thư viện điện tử để phục vụ công tác nghiên cứu và học tập, đặc biệt là đào tạo sau đại học.
Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó đặc biệt là việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy để theo kịp xu thế đào tạo đại học tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.