THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:44

Dấu hiệu nhận biết bị thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống?

 

+ Xin Bác sĩ cho biết tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống trong cộng đồng hiện nay?

- Ở Việt Nam: chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số lượng người bị thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống có thể còn cao hơn các nước khác do nhiều các yếu tố nguy cơ hơn như: 80% người dân ở nông thôn, phần lớn làm công việc đồng áng nặng nhọc, lao động tay chân. Người dân ở các thành phố thì bị ảnh hưởng của lối sống công nghiệp, thói quen lười vận động, làm việc văn phòng, không tập thể dục.

- Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHồ Chí Minh, năm 2015 có khoảng 94.716 người bệnh đến khám, trong đó 70 – 80% người bệnh có các triệu chứng liên quan đến thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống.

+  Đối tượng thường dễ mắc bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống?

- Đây là tiến trình lão hóa của cơ thể nên không loại trừ riêng ai. Sau tuổi 35 - 40 tuổi là bắt đầu có hiện tượng lão hóa. Một số đối tượng dễ bị thoái hóa khớp và cột sống sớm do các yếu tố nguy cơ như: phụ nữ sau mãn kinh, béo phì, người làm việc nặng nhọc, làm việc văn phòng, bị chấn thương trước đây, di truyền, các bệnh lý nội khoa như nhiễm trùng, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gout....

+ Các dấu hiệu nhận biết của thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống?

- Thoái hóa khớp: Giai đoạn sớm thường xuất hiện các triệu chứng như đau khớp nhẹ, đau vào buổi sáng tăng dần, giảm khi nghỉ ngơi, cứng khớp vào buổi sáng. Giai đoạn muộn thường xuất hiện các triệu chứng như sưng đau khớp nhiều, tràn dịch khớp, giới hạn vận động khớp, teo cơ quanh khớp, lạo xạo khớp, biến dạng khớp, lệch trục khớp,…

-Thoái hóa cột sống: Giai đoạn sớm thường xuất hiện các triệu chứng như đau mỏi cổ lan xuống vai, đau lưng, giới hạn vận động cột sống, tê nhẹ tay chân, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc. Giai đoạn muộn thường xuất hiện các triệu chứng như đau tăng nặng, giới hạn vận động nhiều, rối loạn cảm giác tê tay chân nhiều, liệt vận động, rối loạn tiêu tiểu,…người bệnh không thể làm việc hoặc tàn tật.

+ Phương pháp điều trị thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống?

- Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống thường xuyên thực hiện trong Bệnh viện Đại học Y Dược TPHồ Chí Minh là: Trong những trường hợp nhẹ, người bệnh điều trị bằng nội khoa, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau, và các thuốc hỗ trợ phục hồi sụn khớp, tập thể thao và vật lí trị liệu. Mổ nội soi, cắt lọc và ghép sụn xương tự thân. Nội soi và bơm tế bào gốc. Trong những trường hợp nặng nhất là mổ thay khớp

+ Lời khuyên của bác sĩ dành cho cộng đồng để phòng tránh sớm bệnh thoái hóa khớp và thoái hóa cột sống?

- Chế độ làm việc: người làm văn phòng nên thay đổi tư thế khi ngồi sau một tiếng đồng hồ, tập vận động các khớp, tránh ngồi một chỗ quá lâu, tránh đứng nhiều, đứng lâu, mang vác nặng, tránh đi bộ hay leo cầu thang quá nhiều. Theo nghiên cứu cho thấy, khi leo cầu thang, áp lực lên các khớp gối cao gấp 3 lần khi đi bộ trên mặt phẳng, làm hư các khớp gối. Trong giờ giải lao, những bài tập nhẹ từ 5 – 10 phút có tác dụng thư giãn rất tốt cho cột sống cổ, thắt lưng. Chế độ sinh hoạt: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, sữa để cung cấp vitamin và canxi, tránh thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ, tránh bia, rượu, thuốc lá, tránh thức khuya.

- Chế độ tập luyện:  Dưới 40 tuổi có thể chơi bất kỳ môn thể thao nào. Trên 40 tuổi nên tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bơi lội, riêng đạp xe đạp tốt cho khớp nhưng không tốt cho cột sống nên cũng hạn chế. Ngòai ra, tinh  thần thoải mái, lạc quan cũng là các yếu tố giúp cho khớp khỏe.

Pha Lê/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh