THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:51

Dấu ấn Thanh Hoá

 Tăng trưởng GRDP cao nhất

Năm 2019, Thanh Hoá đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 1,92%, công nghiệp - xây dựng có bước đột phá tăng 21,87%, dịch vụ tăng 7,71% và thuế sản phẩm tăng 61,26%; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực... Bên cạnh đóng góp chủ yếu từ các sản phẩm mới của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, các sản phẩm công nghiệp truyền thống như bia, may mặc, giầy da… đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ.

Dấu ấn Thanh Hoá  - Ảnh 1.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết: "Các ngành dịch vụ có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực du lịch, xuất khẩu, vận tải. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, vượt 24% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Thanh Hoá cũng đã tổ chức thành công ngày hội du lịch quốc tế Thanh Hóa 2019 với sự tham gia của nhiều cơ quan ngoại giao, xúc tiến du lịch các nước, vùng lãnh thổ, khách du lịch đến Thanh Hoá ước đạt 9,65 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 30,3%, doanh thu du lịch ước đạt 14.525 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tàu hàng conatainer quốc tế đầu tiên đã cập cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội giao thương hàng hoá, dịch vụ, vận tải giữa tỉnh Thanh Hoá với khu vực và quốc tế, cảng hàng không Thọ Xuân hoạt động hiệu quả và đã mở thêm các đường bay mới".

"Dịch vụ vận tải của Thanh Hoá đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân, vận tải ước đạt 58 triệu tấn hàng hóa và 51,4 triệu lượt khách, so với cùng kỳ tăng 4,1% về hàng hóa và 17,1% về hành khách. Xếp dỡ hàng hóa qua cảng Nghi Sơn ước đạt 28,7 triệu tấn, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Đã đưa vào hoạt động tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng trong việc hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế. Vận tải hàng không ước đón 1,024 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ, là một trong những cảng hàng không phát triển nhanh nhất cả nước"- ông Xứng cho biết thêm.

"Đồng thời, trong năm tỉnh Thanh Hoá cũng đã cho rà soát và chấm dứt hiệu lực quyết định chủ trương đầu tư đối với 48 dự án vi phạm các quy định của pháp luật, chưa xem xét hoặc không chấp thuận chủ trương đầu tư 243 dự án do không đảm bảo quy định của pháp luật, không phù hợp với quy hoạch được duyệt" - Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh.

Lĩnh vực đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực, nổi bật là kết quả giải ngân; giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 7.485 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ; giải ngân đến đạt trên 7.300 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước; nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đang được các cấp, các ngành, chủ đầu tư hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai thực hiện, tạo đà cho phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới... Lĩnh vực văn hoá và các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm. Tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện so với năm trước, trong đó: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 3 bậc, xếp thứ 25 cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 9 bậc, xếp thứ 11 cả nước.

Thu ngân sách cao nhất

Hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã tiếp và làm việc thành công với nhiều đoàn công tác của các tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, tham dự các hội nghị, diễn đàn về xúc tiến đầu tư, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Liên bang Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… 

Hoạt động đối ngoại, đầu tư, thành lập doanh nghiệp tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đã thu hút đầu tư trực tiếp, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 195 dự án đầu tư trực tiếp (20 dự án FDI), với vốn đầu tư đăng ký các dự án DDI tăng 18,6%, đạt 20.596 tỷ đồng, dự án FDI gấp 7,6 lần, đạt 320,2 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt kết quả khá. Công tác phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. 

Năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập mới trên 3.000 doanh nghiệp, xếp thứ 7 cả nước về thành lập mới doanh nghiệp. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 27.359 tỷ đồng, vượt 2,7% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt 17.454 tỷ đồng, vượt 12,3% dự toán và tăng 8,6% so với cùng kỳ; một số khoản thu tăng cao so với cùng kỳ như: Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 43,9%), khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương (tăng 32,1%). Chi ngân sách địa phương ước đạt 33.051 tỷ đồng, vượt 9,2% dự toán, tăng 1,4% so với cùng kỳ, kịp thời đáp ứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

Dấu ấn Thanh Hoá  - Ảnh 2.

Một góc của TP Thanh Hoá

Được biết, năm 2019, Thanh Hoá đã huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số dự án lớn, quan trọng, như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực, một số dự án may trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Quảng Xương; đã khởi công xây dựng một số dự án lớn, như: Đường từ Trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, nhà máy sản xuất tất và áo lót cao cấp (Yên Định), dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (Nông Cống) của Tập đoàn TH. Các sự kiện ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá vững bước trên con đường đổi mới, hướng tới một tương lai thịnh vượng.

Với phương châm hành động trong giai đoạn 2015 - 2020 là Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển với các chỉ tiêu đặt ra. Năm 2020, Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP bình quân đạt 12,5% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 2.670 USD trở lên, cơ cấu các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản chiếm 10%, công nghiệp - xây dựng 49,3%, dịch vụ 31,5%, thuế sản phẩm 9,2%. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD trở lên. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm giữ ổn định 1,57 triệu tấn. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 157.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 28.967 tỷ đồng. Thành lập mới 3.000 doanh nghiệp trở lên. Giải quyết việc làm cho 69.000 lao động (xuất khẩu 10.000 lao động). Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt từ 70% trở lên; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 27,6%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 2,26% trở lên.

Các đột phá trong những năm qua: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc…ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu CN Lam Sơn – Sao Vàng, TP Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa... đáp ứng yêu cầu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Hướng đến là một tỉnh năng động và phát triển của cả nước.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh