CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:56

Hà Nội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020

Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng của kịch bản 1 đạt 7,5%

Hôm nay 3/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 3 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong 9 tháng còn lại của năm 2020.

Hà Nội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 - Ảnh 1.

Hà Nội phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng nhưng trên tinh thần: “Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng của kịch bản 1 đạt 7,5% và bám sát mục tiêu kịch bản 2, tăng trưởng ở mức 6,42%”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên, nhưng Hà Nội đã nỗ lực, đạt được kết quả tốt về mức tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa.

“Cần khẳng định nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân, Hà Nội đã vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung”, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Thành phố cập nhật tình hình đã thay đổi nhanh chóng, nhất là các nội dung lớn trong Lời kêu gọi toàn dân phòng chống dịch của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Chỉ thị số 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để hoàn thiện 3 kịch bản tăng trưởng của Thành phố trong năm 2020.

Theo đó, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng Hà Nội phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng nhưng trên tinh thần: “Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng của kịch bản 1 đạt 7,5% và bám sát mục tiêu kịch bản 2, tăng trưởng ở mức 6,42%”.

Muốn vậy, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND Thành phố tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp bằng cách cơ cấu lại cây trồng, tập trung vào hoa màu và thực phẩm, đẩy mạnh tái đàn và cung ứng thịt lợn ra thị trường, phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp năm nay ít nhất 4,04%.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng của thương mại nội địa, nhất là các dịch vụ thanh toán điện tử, các ngành nghề có lợi thế phát triển hiện nay như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế,...

Không giảm chi cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và ASSXH

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh: “Trong lúc đang tập trung dập dịch Covid-19, các sở, ngành cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện thể chế đầu tư công, đầu tư tư nhân và chuẩn bị đầu tư để khi hết dịch, Thành phố sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các thủ tục đầu tư và giải ngân vốn”.

Đặc biệt, Bí thư Hà Nội lưu ý tinh thần “góp gió thành bão” trong triển khai chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. 

Theo đó, chính quyền cần phân loại các dự án từ cấp thôn, xã, phường, thị trấn, quận, huyện và Thành phố để tháo gỡ, đốc thúc thật mạnh sau thời kỳ cách ly xã hội để tiến tới chào mừng đại hội Đảng các cấp, trong đó quyết liệt triển khai các dự án hoàn thành trong năm nay.

Về chi ngân sách nhà nước, Bí thư Thành ủy giao UBND và HĐND Thành phố tính toán cẩn trọng, tăng chi cho việc thực hiện các quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch, không giảm chi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội; cắt giảm 5% chi thường xuyên của các cấp, ngành trong 9 tháng cuối năm và huy động thêm nguồn lực của xã hội trong phòng chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy giao Ban cán sự UBND Thành phố hoàn thiện kịch bản tăng trưởng và sớm công bố để các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, do tác động của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô đạt 3,72% so với cuối năm 2019 (cả nước tăng 3,82%), là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Xuất, nhập khẩu cũng giảm mạnh so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2019 khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,744 tỷ USD, giảm 18,1%, ngoại trừ một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá là giày dép, gốm sứ.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,832 tỷ USD, giảm 21,3%, trong đó nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm tới 26,6%.

Mặc dù gặp khó khăn chung, nhưng các ngành, nghề, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm, ngoại trừ lĩnh vực nông nghiệp giảm 1,17% (ngành Nông nghiệp cả nước có mức tăng 0,08%).

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 72.130 tỷ đồng, đạt 25,9% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ...

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh