Đặt tên con theo cây rừng để yêu rừng hơn
- Dược liệu
- 16:52 - 18/02/2017
Muốn vững cây lim, cây sến
Đến thôn Bình Lợi, điều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi vẫn là những cái tên. Không phải là các loài hoa cỏ yểu điệu, yếu mềm như Liễu, Lan, Cúc…mà là tên của những loài cây rừng vững chắc. Chị Sùng A Dầu cho biết; "Trong rừng già ở khu vực Tây Nguyên này, loại cây gỗ dầu trưởng thành nhanh lắm và thường rất ít bệnh tật. Loại cây này lại có mùi thơm dịu nhẹ, không gây tác hại gì cho ai cả. Ở loại đất hay thổ nhưỡng nào cũng có thể vươn lên được. Chính thế nên cha mẹ tôi đã đặt tên tôi là Dầu. Ý nghĩa là dễ nuôi và lớn nhanh như cây gỗ dầu vậy đấy. Vùng đất này hầu như ai cũng có quan niệm độc đáo này cả".
Bà Bàn Thị Kỳ, một trong những người được gọi là thủ lĩnh đầu tiên đến lập nghiệp ở thôn Bình Lợi cho biết; "Tên xấu thường dễ nuôi. Đó là quan niệm dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Nhất là những người quanh năm làm công việc nặng nhọc, rừng rẫy như chúng tôi. Cái quan niệm đó cũng không có gì là sai cả mà nó còn giúp người ta tự tin hơn trong cuộc sống, có sự động viên nhau vươn lên mãnh liệt hơn thôi. Mấy đứa con nhà tôi dù là trai hay gái cũng chẳng đặt tên nho nhã hay mỹ miều gì hết mà cứ; Sắn, Mỳ…cả thôi. Cái tên nghe đến đã gợi lên sự giản dị, ấm no và chắc cái bụng của mình rồi. Ngày chúng tôi di cư từ miền Bắc vào đây lập nghiệp, núi rừng còn hoang vu, thăm thẳm. Quanh năm phải đối trọi với đủ thứ nỗi lo thế nên niềm mong mỏi về sức khỏe của những đứa con là lớn lắm đấy".
Bà Kỳ cho biết dân làng đã lánh xa các hủ tục
Cách nhà bà Kỳ không xa, ông Sùng Tiến cũng tự hào cho biết; "Xưa kia mình sinh ra khó nuôi lắm. Lúc lớn lên cứ bệnh tật liên miên cũng bởi do cha mẹ mình đặt tên đẹp quá đó mà. Thế rồi sau này mình sinh mấy đứa con toàn đặt tên xấu hết. Đứa thì tên là Sùng Sà Gạt, đứa thì tên là Sùng A Lim. Tên đứa đầu muốn nhắc nhở cháu rằng hãy nhanh lớn lên để chăm chỉ mang Sà Gạt lên rẫy mà làm việc. Chiếc Sà Gạt với những người dân làm rẫy cũng là một dụng cụ tối quan trọng đấy. Thậm chí trong nhiều tình huống nó còn là công cụ để bảo vệ đắc lực khi gặp phải hiểm nguy nữa. Còn đứa con thứ hai đặt tên là Lim thì quá rõ ràng rồi. Lúc sinh ra cháu bé nhỏ tí xíu nên muốn đặt tên theo cây Lim cho cuộc đời sau này mãi vững chắc như cây Lim vậy. Có bão tố hay những giông gió cũng không bị quật ngã được. Chẳng biết có phải ứng nghiệm không mà có nhiều thời điểm gia đình chật vật, đói kém nhưng cháu Lim chẳng bệnh tật bao giờ. Có lẽ cũng một phần do được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt nên thích nghi và đề kháng tốt nữa đấy".
Bà Bàn Thị Tình ở thôn 2, xã Cư M’Lan cũng vậy. Sinh đứa con đầu lòng gia đình bà đặt tên là Sùng Thanh Thanh. Có tên rất thành thị này được đứa cháu họ của bà tư vấn đặt cho. Thế nhưng đến đứa con thứ hai bà Tình nhất quyết phải đặt tên con mình là Sùng Sến. Bà lý giải rằng; Cháu Thanh hay ốm lắm. Tay chân cứ yếu nhâng đi thôi. Cái tên nghe đã không gợi lên sức mạnh rồi. Thế nên thằng con thứ hai nhất quyết tôi phải đặt tên là Sến. Sến là loài cây rừng rất độc đáo, không sợ gì hết. Sến lớn nhanh, Sến dễ chăm sóc. Người ta vẫn bảo cái tên vận vào người đó thôi, mấy ông giáo viên tôi hỏi cũng có lý giải rõ ràng được đâu. Mà đặt tên con xấu theo các loại tên cây rừng cũng hay lắm. Cái tên ấy còn là lời nhắc nhở các cháu sau này lớn lên hãy một lòng thành kính với thiên nhiên, bảo vệ rừng nữa.
Rừng cũng là cuộc sống, cũng gắn với cái tên của mình mà. Đã bước sang tuổi 28, nhưng Sùng Sưa vẫn chưa phải đến bệnh viện ngày nào. Sưa kể: "Mình cũng không biết đâu nhưng tên mình vừa tượng trưng cho loại gỗ quý hiếm là gỗ sưa vừa tượng trưng cho sức khỏe. Từ những ngày chập chững biết đi, cha mẹ mình đã nói triết lí ấy cho mình biết. Mình yêu thiên nhiên lắm. Lúc rãnh thường vào rừng dạo chơi. Cũng từ đó đến nay mình không thấy có bệnh tật gì cả, chẳng phải đi khám hay mua thuốc ở bệnh viện bao giờ. Cứ mệt thì kiếm một số loại lá cây rừng mà uống vào là hết thôi".
Lánh xa hủ tục
Theo phong tục của nhiều đồng bào Tây Nguyên thì khi có người ngã bệnh hay mất thường mời thầy cúng làm linh đình mấy ngày trời. Nhưng những điều đó đang dần xa vắng ở xã Cư M’Lan. Bà Bàn Thị Kỳ bộc bạch: "Mình nghèo, đặt tên con theo cây rừng cho dễ nuôi, cho nhanh lớn để chăm chỉ làm ăn thì cũng phải học theo sự tiến bộ chứ. Dù tên xấu nhưng chúng tôi hết sức cập nhật các thông tin về cuộc sống mới đấy, không mê muội đâu". Nhiều năm trước, bà Bàn Thị Kỳ còn là người xung phong miệt mài khăn gói đi tìm các chuyên gia tâm lí, các nhà khoa học dạy cho cách thuyết phục những người dân ở đây từ bỏ thói quen cứ ốm là mời thầy cúng. Đồng thời chứng minh cho họ thấy đó là việc làm gây hại cho sức khỏe của người bệnh. Thương người dân, sau khi đã nắm bắt đầy đủ những cách thuyết phục và lí giải hiệu quả, bà Kỳ quyết định làm cuộc vận động "đưa người ốm đến bệnh xá”. Nhiều thầy mo khi ấy phản ứng dữ dội nhưng thấy lòng quyết tâm và những lý giải có lý của bà Kỳ nên lại thôi.
Những đứa trẻ ở xã Cư MLan
Chị Sùng Thị Sảo cho biết; Trước kia cũng vì ít được học cái chữ nên có nghe người khác kêu phải cúng bái nhiều thì bệnh mới hết. Nhất là những người già thì bệnh là đương nhiên nhưng các thầy cúng lại bảo do ma rừng về hành. Mà nào đâu có phải. Sau này nghe các cán bộ và bà Kỳ giải thích chúng tôi hiểu cặn kẽ hết và không tin vào những chuyện ma tà nữa. Chẳng mời thầy cúng nữa mà chỉ nhờ trạm xá chăm sóc thôi. Mà người già thì cũng như cái cây già cũng phải héo hon thôi chứ làm sao mà tươi xanh mãi được. Ông A Mung cũng cho biết, ban đầu nghe bà ấy khuyên mà tôi nóng hết cả người. Tục lệ xưa nay là thế làm sao mà bỏ đi cho được. Nhưng rồi nghe lý giải mãi thấy có lý nên cũng nghe theo. Sau xem trên truyền hình nữa, càng tin hơn những điều phân tích của bà Kỳ cùng các cán bộ trong xã là đúng.
Nhiều người dân khác ở xã Cư M’Lan cũng vui như mở cờ trong bụng cho biết; nhờ xóa bỏ được nhiều hủ tục mà giờ đây chúng tôi tự tin đi giao lưu, tự tin hòa nhập với cuộc sống của những cộng đồng dân tộc khác. Mỗi lần ra trung tâm huyện để dự các hội thi giao lưu văn hóa, văn nghệ không còn bỡ ngỡ, rụt rè nữa rồi.