Tây Ninh: Gian nan giữ rừng mùa khô
- Tây Y
- 00:03 - 05/04/2016
Hiện nay, rừng ở Tây Ninh đang ở mức báo động cấp 5, cấp cực kì nguy hiểm, nguy cơ cháy là rất lớn khi chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Lực lượng chức năng Tây Ninh đang tập trung lực lượng để giữ rừng, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay lại là đối phó với hành vi phá hoại của con người.
Hiện trường một vụ cháy. |
Trong hai tháng vừa qua, tại khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã xảy ra gần 40 vụ cháy lớn, có thời điểm cháy liên tục hơn 20 vụ chỉ trong vòng 2 tuần, gây thiệt hại gần 100 ha rừng, chủ yếu là rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng chồi, trảng cỏ…
Thời tiết khô hạn kéo dài và đến sớm hơn mọi năm làm cho tình hình trở nên khó lường. Thời điểm cháy thường diễn ra giữa trưa, có gió nên rất khó dập tắt. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, phần lớn các vụ cháy vừa qua có yếu tố cố ý phá hoại của con người, tiêu biểu như vụ cháy ngày 20/2 cùng lúc xảy ra 4 vụ, 3 vụ ở tiểu khu 43, 1 vụ ở tiểu khu 37, hai khu vực này cách xa hơn 10 km.
Ngoài các nguyên nhân, như: sự vô ý của người dân khi vào rừng đốn củi, thu hoạch các loại cây trồng ở bìa rừng gây cháy lan, có người cố ý đốt ở bìa rừng để đợi mùa mưa lấn chiếm đất nông nghiệp, cơ quan chức năng Tây Ninh còn xác định rừng cháy và diễn biến khó lường như trong thời gian qua là do kẻ xấu cố ý gây ra. Chúng theo dõi hoạt động của lực lượng kiểm lâm, cố ý đốt nhiều nơi cùng một thời điểm để phân tán lực lượng chức năng. Đây là những đối tượng lấn chiếm đất rừng, làm nương rẫy sai mục đích và đã bị thu hồi.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Ban quản lý rừng Dầu Tiếng, huyện Tân Châu nói: “Có nhiều ngày xảy ra nhiều vụ cháy, đang cháy tiểu khu này thì tiểu khu lân cận cháy, chữa xong thì tiểu khu lân cận cháy. Có thể có các đối tượng không hài lòng về quản lí vì mình càng ngày càng quản lý chặt chẽ. Không thể một sớm một chiều mình ngăn chặn triệt để, vẫn cứ phải tuyên truyền thôi”.
Trong khi đó những khu vực khác tại tỉnh Tây Ninh cũng đang có nguy cơ cháy rừng cao bởi nắng nóng gay gắt. Đặc biệt, tại các cánh rừng giáp biên giới với Campuchia, việc triển khai phòng chống cháy rừng càng được chú trọng hơn bởi người dân Campuchia ở ven biên giới hay có thói quen đốt rừng làm rẫy, dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan.
Lực lượng kiểm lâm đã phải tăng cường lực lượng, túc trực 24/24 tại những nơi có nguy cơ, chuẩn bị mọi phương án để đối phó.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Ban quản lý khu rừng văn hóa – lịch sử Chàng Riệc, huyện Tân Biên nói: “Nguy cơ thường là cháy lan từ Campuchia sang là chính. Mình chủ động làm băng cản lửa, tổ chức trực phát hiện thì chữa liền. Trong giao ban các cụm biên giới thì mình vận động tuyên truyền người dân khi sử dụng lửa. Với lại các lực lượng trên biên giới hợp đồng tác chiến rất bài bản”.
Hiện nguy cơ cháy rừng ở Tây Ninh đang ở cấp 5 (cấp cực kì nguy hiểm). Qua kiểm tra thực tế nhiều diện tích rừng trên địa bàn đều có khả năng cháy, gồm: hơn 38.600 ha rừng tự nhiên, trên 10 ngàn ha rừng trồng và gần 7.400 ha trạng thái khoanh nuôi tái sinh.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết và cả hành vi phá hoại của con người, tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các huyện, xã, Ban quản lý rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn trọng điểm, lắp đặt biển báo cấp dự báo cháy, trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, làm đường băng cản lửa, tổ chức đốt chủ động, bố trí các hồ chứa nước, máy cày vận chuyển nước gần những nơi dễ xảy ra nguy cơ cháy.
Lực lượng kiểm lâm tại chỗ tận dụng tối đa mọi nguồn lực sẵn có, sáng tạo trong các phương thức tuần tra, cảnh báo, như: tận dụng cây cao để làm tháp canh lửa, diễn tập phòng chống cháy rừng; lực lượng cơ động của kiểm lâm tỉnh, huyện cũng thường xuyên xuống cơ sở hỗ trợ…
Ngay cả các lực lượng như cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội cũng sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng lớn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được chú trọng để người dân hiểu và không có hành vi phá hoại, làm việc trực tiếp với các già làng, trưởng ấp, tận dụng các buổi tiếp dân, hiệp thương của Ủy ban mặt trận tổ quốc địa phương để lồng ghép giáo dục ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng.
Một vụ cố ý đốt rừng. |
Ông Mang Văn Thới, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Tây Ninh nói: “Sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nếu không có sự tham gia, đồng thuận của người dân thì không thể làm được. Công tác tuyên truyền giáo dục ý chí của người dân là trên hết. Đây là mưa dầm thấm lâu. Tập trung vào công tác tuyên truyền nhân dân ở địa phương qua rất nhiều kênh, qua đài truyền hình, đài phát thanh của huyện, xã nhằm để người dân hiểu biết về tác hại của đốt rừng cũng như nâng cao ý thức bảo vệ”.
Ngoài tuyên truyền, hiện nay lực lượng kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã kết hợp với chính quyền và công an địa phương điều tra, khoanh vùng các đối tượng có hành vi cố ý đốt rừng nhằm kịp thời ngăn chặn. Tuy nhiên, để hạn chế được nguy cơ cháy rừng, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ rừng. Chỉ khi nào người dân cùng chung tay thì việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng mới có hiệu quả.