THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:03

Đào tạo nhân lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0

Tham dự hội thảo có PGS.TS Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Lao động - Xã hội; TS Lục Mạnh Hiển, Phó Hiệu trưởng nhà trường; ông Lê Anh Vũ, cán bộ Chương trình Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam; TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo các khoa, phòng của Trường Đại học Lao động - Xã hội; đại diện một số viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

PGS. TS Lê Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS. TS Lê Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Công nghệ mới đang và sẽ mang đến những tiến bộ vượt bậc giúp làm tăng năng lực cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp thông qua tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí; khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và sản phẩm mới; thúc đẩy thương mại điện tử và hình thành các mô hình kinh doanh mới, cải thiện hiệu quả và tạo thêm các loại hình doanh thu… Song song với những lợi thế đó, công nghệ cũng tạo ra sự dịch chuyển của cầu lao động: Từ các công việc chủ yếu là thủ công, đơn giản sang công việc đòi hỏi kỹ năng mới, trình độ cao hơn; từ các công việc truyền thống sang các công việc hiện đại, thay thế lao động giản đơn, trình độ thấp bằng các hệ thống, máy móc tự động hóa.

Ông Lê Anh Vũ, cán bộ chương trình Tổ chức HSF tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Anh Vũ, cán bộ chương trình Tổ chức HSF tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đối với Việt Nam, đây là cơ hội rất quý mà chúng ta phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, chất lượng khoa học công nghệ và chất lượng giáo dục, đào tạo của Việt Nam vẫn còn hạn chế; khoảng cách đang khá xa so với các nước phát triển. Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thời cơ để chúng ta xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó sẽ hình thành các chính sách khoa học công nghệ và đào tạo phù hợp.

TS. Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày tham luận về vấn đề đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

TS. Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày tham luận về vấn đề đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động

“Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động - Xã hội với sự tài trợ của Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đào tạo nhân lực thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm thảo luận, trao đổi, chia sẻ các vấn đề thực tiễn về công tác đào tạo nhân lực, những thuận lợi và khó khăn, giải pháp khi thực hiện công tác này trong bối cảnh đổi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu. Qua đó phát huy các giá trị giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, mở rộng hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế cũng như quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Nhà trường” - PGS. TS Lê Thanh Hà chia sẻ.

Bà Nguyễn Hoài Giang - Giám đốc đào tạo - Công ty TNHH Đào tạo tư vấn quản trị HRC trình bày tham luận về Đào tạo & phát triển nhân sự đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản trị nhân sự tại doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Hoài Giang - Giám đốc đào tạo - Công ty TNHH Đào tạo tư vấn quản trị HRC trình bày tham luận về "Đào tạo & phát triển nhân sự đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản trị nhân sự tại doanh nghiệp".

Trong một ngày hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự đã trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, như: Đào tạo & phát triển nhân sự đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản trị nhân sự tại doanh nghiệp; Đào tạo, đào tạo lại cho người lao động thích ứng với sự thay đổi công nghệ tại các doanh nghiệp Việt Nam; Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; Viettel Solution và công tác đào tạo và phát triển nhân lực; Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý đáp ứng thay đổi công nghệ ngành ngân hàng; Thực trạng chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vấn đề đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0…

TS. Đỗ Thị Tươi, Trưởng Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động – Xã hội kết luận Hội thảo

TS. Đỗ Thị Tươi, Trưởng Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động – Xã hội kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, TS Đỗ Thị Tươi, Trưởng Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động - Xã hội nhấn mạnh: Qua các tham luận tại hội thảo cho thấy, diễn biến của cuộc CMCN lần thứ tư đã và đang lan tỏa nhanh chóng với quy mô, phạm vi và khả năng chuyển hóa khác hoàn toàn các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây mà thế giới đã trải qua. Bản chất cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, đặc trưng bởi sự kết hợp giữa internet kết nối vạn vật và các hệ thống kết nối internet với phạm vi bao trùm ở tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hướng thế giới đầu tư vào ngành công nghệ cao. Việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi tạo sự lan tỏa lớn như: Trí thông minh nhân tạo, người máy, IOT, các công nghệ vật liệu cao cấp,… sẽ dẫn đến thay đổi phương thức sản xuất, từ đó phát sinh những vấn đề mới liên quan đến tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất, trong đó có hoạt động quản lý nguồn nhân lực.

Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng sản xuất mới, đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, rút ngắn khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu nếu Việt Nam không đáp ứng được công nghệ, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, dư thừa lao động kỹ năng và trình độ thấp. Chính vì vậy, việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên sâu, nâng cao kỹ năng cho người lao động, nhất là kỹ năng số đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 là hết sức cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều này, cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cả người sử dụng lao động.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh