CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:53

Đào tạo nghề vùng Trung du, miền núi phía Bắc: Nhiều chuyển biến tích cực

 

Phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng 

Vùng trung du, miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong những năm qua  Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với khu vực này. Do đó, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề trong vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Báo cáo về công tác đào tạo nghề trong vùng của Bộ LĐ-TB&XH, cho thấy: Mạng lưới cơ sở dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc bộ hiện đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng cơ sở đào tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn vùng có 451 cơ sở tham gia dạy nghề, trong đó 249 cơ sở dạy nghề (tăng 61 cơ sở so với năm 2012) gồm 22 trường cao đẳng nghề (tăng 8 trường); 32 trường trung cấp nghề, trong đó có 6 trường trung cấp nghề dân tộc nội trú tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An (tăng 13 trường); 195 trung tâm dạy nghề (tăng 40 trung tâm) và 202 cơ sở khác (trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm giáo dục thường xuyên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX...) tham gia hoạt động dạy nghề; 100% đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, hiện có 74 cơ sở dạy nghề ngoài công lập và 202 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề trong vùng, chiếm 60% tổng số cơ sở tham gia dạy nghề trong vùng.

Bình quân mỗi năm dạy nghề cho 139.000 người. Trong đó: Trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 43.606 người, chiếm khoảng 10,5%; Trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 372.278 người, chiếm 89,5%.

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của các địa phương vùng Trung du, miền núi Bắc bộ, trong 8 tháng đầu năm 2016, toàn vùng đã tuyển sinh học nghề được 124.511 người, đạt 62,9% kế hoạch năm, bằng 20,6% tổng số người được tuyển sinh, học nghề cả nước, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015.

Cần chính sách đặc thù

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề tại các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc bộ tập trung chủ yếu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên (chiếm 89,3%), đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm tỷ lệ thấp (cao đẳng chiếm 2,2% và trung cấp chiếm 8,5%). Một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, đào tạo như tỉnh Sơn La chưa tuyển sinh được trình độ trung cấp, cao đẳng; Hà Giang chưa tuyển sinh được trình độ cao đẳng, số học sinh học nghề trình độ trung cấp mới đạt 3% kế hoạch.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề; tìm cách khắc phục, tháo gỡ và xử lý nhằm thúc đẩy hoạt động này ngày càng phát triển và đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như hội nhập, bên cạnh các kiến nghị về chuyển đổi đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp và các tỉnh vùng này, các đại biểu kiến nghị cần có giải pháp rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển dạy nghề. Cụ thể, cần có chính sách khuyến khích người học trung cấp nghề, cao đẳng nghề; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề; khuyến khích các cơ sở dạy nghề đăng ký, thực hiện tự chủ theo Nghị định số 16/NĐ-CP. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có từ 50% học sinh là người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 61/2006/NĐ - CP ngày 20/6/2006 và Nghị định số 19/2013/NĐ - CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ; Quy định về việc xếp ngạch bậc lương cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện cơ chế đặt hàng dạy nghề đối với các nghề trong vùng có nhu cầu cao về nhân lực, các nghề phục vụ phát triển các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh và của toàn vùng.

Đề nghị Chính phủ tăng mức đầu tư cho các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc bộ để thực hiệc các dự án ưu tiên đã được phê duyệt trong việc tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo giáo viên, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vào vùng, không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp mà cả doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong vùng.

Bổ sung các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nội trú, hoặc khoa nội trú vùng Trung du miền núi Bắc bộ vào đối tượng được ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015.

 Chính phủ cho phép giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có từ 50% học sinh là người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể trong tuyển dụng và xếp lương cho các học sinh qua đào tạo nghề, tránh tình trạng hiện nay một số nơi đã từ chối xếp lương cho các học sinh có bằng trung cấp nghề. 

Huy Hà - Phương Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh