THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:13

Đà Nẵng: Nắm bắt cơ hội để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

 

Công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT vào học nghề đang có nhiều chuyển biến.

Nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề

Với 6 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 14 trung tâm dạy nghề và 32 cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề. Trong đó, cơ sở dạy nghề do địa phương quản lý là 45 cơ sở, Trung ương quản lý 11 cơ sở, bao gồm 22 cơ sở công lập, 33 cơ sở đào tạo tư thục và 1 cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước quản  lý.

Theo Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, quy mô đào tạo trình độ cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố là khoảng 6.145 sinh viên ở 38 nghề; trung cấp là 7.565 học viên của 53 nghề; quy mô trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 37.854 học viên của 128 nghề. Trong đó, quy mô của các cơ sở dạy nghề dạy nghề tư thục chiếm hơn 51%.

Cũng như nhiều năm trước đây, để chủ động cũng như đảm bảo chỉ tiêu đào tạo của từng cơ sở, ngay từ đầu năm 2016, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tuyển sinh học nghề ở các cấp trình độ; liên thông, liên kết, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp... Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh mới 18.579 người, đạt 41,15% kế hoạch năm 2016 và đạt 102,10% so với cùng kỳ năm 2015.  Về chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016 địa phương đã triển khai thực hiện ký kết hợp đồng đặt hàng dạy nghề với 03 đơn vị để tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng lao động đặc thù trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí đào tạo là 775 triệu đồng.  Ngoài ra, Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố phân bổ kinh phí đào tạo nghề miễn phí cho Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ với tổng kinh phí 480 triệu đồng.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 169 lao động đặc thù, tổng kinh phí đào tạo là 293 triệu đồng, trong đó có 110 lao động nông thôn, 22 lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất, 3 lao động thuộc diện chính sách gia đình có công với cách mạng, 22 người nghèo, cận nghèo, 5 học sinh bỏ học, 3 khuyết tật, 4 bộ đội xuất ngũ. Hội Liên hiệp Phụ nữ cũng tuyển sinh dạy nghề cho 35 lao động nông thôn với kinh phí thực hiện là 72 triệu đồng.

 Cơ hội tuyển sinh cho các trường nghề

Với một số lượng lớn lao động có trình độ đại học, cao đẳng ra trường mỗi năm, trong khi số lượng các doanh nghiệp tại Đà Nẵng vẫn chưa nhiều, thực sự đang khiến cho nguồn cung thị trường lao động này trở nên vượt quá cầu. Tại nhiều phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) tổ chức cho thấy, nhu cầu cần nguồn lao động có tay nghề, công nhân kỹ thuật, cơ khí… vẫn luôn là đối tượng được nhiều doanh nghiệp săn đón. Thế nhưng thực tế việc thu hút học nghề tại địa phương này, theo nhiều người làm công tác đào tạo vẫn là bài toán khó tìm lời giải.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng: “Công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT vào học nghề mặc dù được thành phố cùng rất nhiều đơn vị, ban, ngành quan tâm, chủ trương cũng đã được đặt ra cụ thể, tuy nhiên phải thừa nhận, việc thu hút người học nghề còn nhiều bất cập, thậm chí rất khó thực hiện bởi chưa có một cơ chế ưu tiên, đãi ngộ hay khuyến khích nào mang tính đột phá”. Ông Dũng dẫn chứng, năm 2014, thành phố có 11.298 học sinh tốt nghiệp THCS (đạt 99,1%), tuy nhiên chỉ có 5,4%, tương ứng 615 em lựa chọn học nghề. Một con số khá thấp so với mục tiêu đào tạo nghề đặt ra.

 Lý giải cho thực tế này, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút học nghề tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn là do chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học quá nhiều. Trong khi đó, nhận thức của học sinh- sinh viên trong việc đi học nghề và lựa chọn học nghề còn những hạn chế... Tuy  vậy, ngay trong mùa tuyển sinh năm nay, rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang gặp khó khăn về tuyển sinh. Phải chăng những nhận thức về nghề, nghiệp đã có sự chuyển biến trước thực trạng “ Thừa thầy, thiếu thợ”.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng nhận định: Trước thực trạng các Trường Đại học hiện nay cũng gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh thì với hệ thống đào tạo nghề của Đà Nẵng sẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về đào tạo nghề cho các học viên có nhu cầu học và sớm có việc làm ổn định. 

GIANG SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh