CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:03

“Đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế - xã hội”

Nhân dịp năm mới, PV Báo Lao động và Xã hội có cuộc trò chuyện cùng ông Võ Văn Mãng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Phước xung quanh vấn đề này.

* Bình Phước là tỉnh chuyên phát triển về nông nghiệp, vậy trong năm 2015, tỉnh đã triển khai công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT đạt kết quả  như thế nào?

- Bình Phước có tới 85,16% lao động làm việc trong khu vực nông thôn nhưng số lao động được đào tạo từ sơ cấp nghề đến công nhân kỹ thuật chỉ chiếm 15,5%. Như vậy, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động, nhất là đội ngũ lao động trẻ đã, đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Ông Võ Văn Mãng, GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Phước.

Năm 2015, tỉnh đã đào tạo nghề cho 10.582 lao động, đạt 151,17% kế hoạch năm, trong đó đào tạo nghề thuộc Đề án dạy nghề cho LĐNT là 4.610 lao động, đào tạo nghề cho 4.768 lao động nữ. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh phối hợp với các ngành liên quan và UBND huyện, thị xã xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, cuối năm 2015 toàn tỉnh có 28 cơ sở đào tạo nghề đảm bảo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh; nội dung chương trình giảng dạy được cũng cố, đổi mới phù hợp với các ngành nghề đào tạo; đội ngũ cán bộ giáo viên từng bước được chuẩn hóa.

Nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước, nông dân đã thành lập được một số loại hình câu lạc bộ (CLB), trong đó có những CLB chuyên sâu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.  Một số nông dân đã học nghề nuôi cá, ếch, ba ba... hay lai tạo, áp dụng giống mới vào sản xuất. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề đã triển khai 25 danh mục nghề đưa vào dự án để đào tạo cho người lao động lựa chọn, trong đó có 18 nghề phi nông nghiệp như: Cơ khí, sửa chữa xe mô tô, điện dân dụng - công nghiệp, may, dệt thổ cẩm, thêu, kỹ nghệ sắt, sơ chế mủ cao su và 7 ngành nghề đào tạo cho LĐNT: Kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chăm sóc khai thác cao su, trồng nấm, kỹ thuật làm vườn và cây cảnh, trồng rau sạch.

* Đào tạo nghề luôn đi kèm với công tác giải quyết việc làm, vậy tỉnh đã có những phương án gì để giải quyết đầu ra cho học viên?

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình dạy nghề có sự kết hợp giữa 3 bên (Cơ sở dạy nghề, người lao động và doanh nghiệp). Trong những năm qua, các cơ sở dạy nghề đã chủ  động phối hợp với doanh nghiệp tuyển sinh đào tạo nghề cung ứng lao động qua đào tạo cho doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm tỉnh đã tổ chức 85 lớp, với 2.975 học viên và sau khi đào tạo có 2.231 học viên được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật của tỉnh.

 Năm 2015, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 38.216 lao động, đạt 118,68% kế hoạch. Xuất khẩu lao động được 156 người; giải quyết việc làm cho 19.876 lao động nữ. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,2% và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40%. Nổi bật trong công tác giải quyết việc làm là thị xã Đồng Xoài đạt 154,12%, huyện Bù Đăng đạt 148,81%, huyện Chơn Thành đạt 130,16%.

* Trong quá trình thực hiện tỉnh đã gặp những khó khăn vướng mắt gì cần tháo gỡ ? Và giải pháp thực hiện để công tác đào tạo nghề cho năm 2016 đạt hiệu quả tốt nhất, thưa ông ?

- Điều đáng lo ngại hiện nay là công tác khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề với thực tế  lao động đăng ký học nghề có khoảng cách, chưa chính xác. LĐNT, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số muốn đi học nghề cũng rất khó khăn.Nhận thức “làm nông nghiệp thì đâu cần học nghề” của phần đông nông dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề không đạt được kết quả như mong muốn.

Năm 2016, tỉnh đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3,2% và duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian LĐNT mức trên 90%.Đào tạo nghề cho 6.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 44%.

Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua và có những giải pháp thực hiện cụ thể như: Nhân rộng các mô hình đào tạo nghề hiệu quả, dạy nghề đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động, thị trường lao động và gắn liền với công tác giải quyết việc làm.  Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thu hút các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; bổ sung và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; ban hành chương trình - giáo trình phù hợp với thực tiễn sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn nhằm đảm bảo chính sách giáo dục nghề nghiệp được phổ biến sâu rộng đến các ngành, cấp và người lao động.

* Cảm ơn ông!

PHA LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh