THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:48

Gắn chặt công tác đào tạo nghề với thị trường lao động

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi với Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH bên lề hội nghị.    Ảnh: Mạnh Dũng. 

 

Những kết quả nổi bật

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm qua (2011-2015), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: “Thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, trong 5 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, tham gia  hoạch định nhiều chính sách; tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, công tác lao động, người có công và xã hội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thì  đây là nhiệm kỳ đặt dấu mốc cho việc phát triển, hoàn thiện chính sách an sinh -  xã hội. Bên cạnh đó, bằng sự quyết tâm trong lãnh đạo, điều hành, sự phối hợp tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương, việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong 5 năm qua cũng đã cơ bản hoàn thành. Một số kết quả nổi bật như:

Cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người. Khoảng 8,6 triệu lao động được đào tạo, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6% vào cuối năm 2015;

Đào tạo nghề Việt Nam đã ghi được dấu ấn trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới, mà điểm nhấn là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đã giành được Huy chương Đồng tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 43;

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân khoảng 2% mỗi năm, từ 14,2% (cuối năm 2010) xuống dưới 4,5% (năm 2015). Riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6% mỗi năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam luôn là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì hội nghị.

 Lĩnh vực người có công được thực hiện tốt hơn nhờ sửa đổi nhiều chính sách theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức trợ cấp (hiện nay mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đã tăng lên 71,2% so với năm 2010); đồng thời huy động được nhiều nguồn lực, khơi dậy được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm sóc người có công với nhiều hình thức phong phú, đa dạng... 

Kết quả trên đã góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả nước là “ổn định kinh tế vĩ mô... bảo đảm an sinh - xã hội”.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về an sinh - xã hội 

Nhấn mạnh nhiệm vụ 5 năm tới và kế hoạch năm 2016 có ý nghĩa bản lề, mở đầu cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Mục tiêu mà ngành đặt ra cho năm 2016 và 5 năm (2016-2020) là nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đa dạng, toàn diện, bảo đảm bền vững, công bằng bình đẳng, tạo nền ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới toàn ngành cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về quan hệ lao động, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động...

Tạo lập đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm; cải thiện môi trường cạnh tranh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm ổn định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng người có công; các chính sách trợ giúp xã hội đã ban hành; đẩy mạnh thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nhằm tạo môi trường luật pháp đầy đủ, thân thiện với trẻ em và môi trường xã hội phù hợp với trẻ em; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các chính sách, pháp luật đối với phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, nghiện hút ma tuý, mại dâm.

Tăng cường bao phủ hệ thống bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội

Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH trong những năm qua, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ: “Lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH là lĩnh vực rộng lớn, đòi hỏi cần có sự chung tay giải quyết của nhiều bộ, ngành”.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà ngành LĐ-TB&XH cần triển khai trong thời gian tới,  trong đó có việc phải đẩy mạnh các giải pháp tăng năng suất lao động, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Đối với công tác đào tạo nghề, cần rà soát lại toàn bộ các cơ sở dạy nghề, bởi trên thực tế có những nơi có cơ sở đào tạo rất tốt nhưng không thu hút được người học; rà soát lại các cơ sở giới thiệu việc làm, thực hiện chuyển đổi theo hướng tự chủ, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động.

Đổi mới thực chất đề án dạy nghề cho lao động nông thôn sao cho thiết thực, chỉ mở lớp khi người học có nhu cầu thực sự học nghề để giảm nghèo, phải đi vào thực chất, không chạy theo phong trào”.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Về lĩnh vực chăm lo, giải quyết chế độ chính sách cho người có công, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là lĩnh vực đặc thù của nước ta. Chiến tranh qua đi mấy chục năm, tuy nhiên,  qua rà soát vẫn còn có những người xứng đáng hưởng chế độ nhưng đến nay chưa được hưởng.  “Bộ LĐ-TB&XH cần phải phối hợp với địa phương chặt chẽ để giải quyết sớm việc này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, công tác xóa đói giảm nghèo cần tạo sự chuyển biến trong chính sách và thực thi, việc hỗ trợ phải bảo đảm thiết thực, làm sao để người dân ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường bao phủ hệ thống BHXH, coi trọng công tác trợ giúp xã hội đối với người có công, người khuyết tật, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi khi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số nhanh chóng.

Nhóm PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh