Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần XĐGN và xây dựng NTM
- Huyệt vị
- 16:05 - 23/02/2016
Giờ thực hành điều tra sâu bệnh hại cam của lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Bắc Quang.
Trong 5 năm vừa qua (từ 2011- 2015), tỉnh Hà Giang đã hoàn thành đào tạo nghề cho trên 75.000 người, trong đó có trên 67.000 lao động nông thôn được đào tạo sơ cấp nghề; trong các ngành nghề được đào tạo đã có gần 30.400 nông dân được học các nghề phi nông nghiệp (như điện dân dụng, sửa chữa xe máy, kỹ thuật gò hàn, các nghề truyền thống...) và khoảng 40.000 người được đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề của lao động nông thôn đạt trên 62 %.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các ngành chức năng của Hà Giang đã tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá nhu cầu đào tạo, thời gian và phương pháp đào tạo tại từng vùng nông thôn trong tỉnh. Từ đó, nhiều mô hình đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phát huy hiệu quả. Có thể kể đến một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn điển hình như: Đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè cho nông dân tại huyện Vị Xuyên; đào tạo về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây cam sành tại huyện Bắc Quang; đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn cho nông dân tại huyện Quản Bạ và thành phố Hà Giang; đào tạo kỹ thuật trồng, thu hái và sơ chế cây dược liệu tại 6 huyện 30a....
Chị Hoàng Thị Lan, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cho biết: Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trường đào tạo nghề đã mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Những người lao động khi được tham gia gia hoc tập đã nâng cao được những kiến thức cơ bản trong trồng trọt và chăn nuôi; từ đó họ đã nâng cao được hiệu quả trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và địa phương.
Qua khảo sát, đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện trong tỉnh đều cho kết quả phù hợp với yêu cầu của thực tế, hình thức đào tạo linh hoạt, thời gian phù hợp đã thu hút và tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn tham gia. Cũng qua công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho lao động nông thôn của tỉnh; nâng tỷ lệ lao động nông thôn của Hà Giang qua đào tạo nghề từ 26,8 % năm 2011 lên 37% vào cuối năm 2015. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp Hà Giang đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công nông thôn mới trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Tự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tỉnh cho biết: Trước khi đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của từng địa phương. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế và phát huy hiệu quả cao. Cũng chính vì vậy, công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh.
Từ những kết quả đạt được, tỉnh Hà Giang đề ra kế hoạch trong 5 năm (từ 2016 - 2020) sẽ đào tạo nghề cho trên 61.000 lao động nông thôn, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 55.000 người; số lao động nông thôn được học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp đạt 57 %, lao động nông thôn được các nghề phi nông nghiệp đạt 43 %; phấn đấu trên 80 % số lao động nông thôn có việc làm sau khi được học nghề.