CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:32

Đào tạo khởi nghiệp cho học sinh... không dễ

Phải có cách để đào tạo khởi nghiệp là vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đặt ra để các chuyên gia, nhà trường tìm giải pháp.

Trở ngại khi dạy STEM

Đến nay, sau 3 năm thực hiện giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp ở các trường phổ thông theo Quyết định số 1665 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy thực tế còn rất nhiều khó khăn, bởi vấn đề nhận thức, nội dung chương trình vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả vẫn nặng về điểm số. Bởi vậy, khi triển khai giáo dục STEM nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS), cô Dương Thị Thu Hà, giáo viên trường THPT Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gặp những trở ngại.

Đào tạo khởi nghiệp cho học sinh... không dễ - Ảnh 1.

Trở ngại khi dạy STEM

Trong khi đó, theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Đỗ Đức Quế, giáo dục STEM không nên quá phức tạp. STEM là giáo dục đời sống hằng ngày, bài học STEM có thể là trồng cây ngoài cửa sổ để giúp HS phát triển năng lực và phẩm chất, chứ chưa cần đến dự án lớn lao. Giáo dục cho HS học hằng giờ, hằng tuần, thời gian dài chứ không phải trong 2 - 3 tháng hướng dẫn các em nghiên cứu một dự án lớn, đỉnh cao của khoa học kỹ thuật rồi đi thi. Mục tiêu giáo dục của STEM là trải dài từ THCS đến THPT.“Phụ huynh hỏi làm một dự án STEM tốn nhiều thời gian, liệu con tôi thi tốt nghiệp có đỗ không? Khi tôi bảo HS lớp 12 làm cái này đi, các con nói làm suốt thì không có thời gian học thi tốt nghiệp THPT và đại học. Còn bảo các con làm dự án để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật thì gặp khó khăn rất nhiều.” – cô Dương Thị Thu Hà chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn, trường phổ thông sẽ triển khai dạy học STEM như thế nào khi chuẩn đầu ra là thi tốt nghiệp THPT sẽ giữ ổn định đến năm 2025?

Rất cần những câu lạc bộ khởi nghiệp chuyên nghiệp

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để giáo dục khởi nghiệp thì trước tiên phải gieo vào cho HS hiểu về khởi nghiệp và quy trình thực hiện. Muốn tạo ra được môi trường đó, chính là câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp và các tổ chức trải nghiệm. CLB khởi nghiệp là một loại hình trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Đào tạo khởi nghiệp cho học sinh... không dễ - Ảnh 2.

Rất cần những câu lạc bộ khởi nghiệp chuyên nghiệp

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, trường Đại học (ĐH) Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, HS có năng lực, năng khiếu với loại hình nào thì lựa chọn và tham gia CLB ở lĩnh vực đó để vừa phát triển sở thích đồng thời hướng nghiệp. Việc lập ra các CLB không khó nhưng duy trì hoạt động không dễ. Chính vì thế, các trường cần hỗ trợ để CLB trở thành đời sống của HS. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, muốn các CLB hoạt động chuyên nghiệp phải dựa trên những bằng chứng khoa học, đặc điểm nhân cách của tất cả HS và những nhóm nghề nghiệp. Thậm chí, CLB khởi nghiệp hoạt động theo sự phát triển của vùng miền, nhu cầu của địa phương, xã hội.

"Nền giáo dục hiện đang chuyển dần từ truyền thụ kiến thức sang giáo dục tiếp cận năng lực, phẩm chất. Bước chuyển này đòi hỏi phải có nhiều cố gắng và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ. Bộ GD&ĐT đã từng bước thay đổi cách đánh giá. Chắc chắn sẽ thay đổi ma trận, mô hình kiểm tra sắp tới theo hướng mở."

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Người phụ trách CLB là giáo viên chuyên trách, được bồi dưỡng tìm hiểu thêm kiến thức để phát triển CLB. Cũng cần có những tài liệu chính quy để xây dựng và phát triển CLB theo từng giai đoạn. Khởi nghiệp đối với HS phổ thông không dễ, vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong giáo viên là người giúp gieo vào HS sự đam mê, đồng thời, hướng HS học không phải để thi mà có năng lực để sau này ra cuộc sống, giải quyết công việc tốt hơn là đã thành công.

CHU THÚY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh