Đào tạo kế toán – kiểm toán đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:33 - 23/10/2019
Tham dự Hội thảo có tiến sĩ Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính; Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Hà Xuân Hùng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội cùng đông đảo lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính đến từ các viện nghiên cứu, các khoa kế toán - kiểm toán của các trường đại học tại Hà Nội như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Tài chính quản trị kinh doanh, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội... các tổ chức, các doanh nghiệp và các thầy cô giáo đại diện các phòng, khoa thuộc trường Đại học Lao động - Xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, tiến sĩ Hà Xuân Hùng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trường Đại học Lao động - Xã hội là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ cao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng và cả nước nói chung. Khoa Kế toán là một trong những ngành đào tạo chính của nhà trường. Trong 58 năm hình thành và phát triển, nhà trường đã đào tạo 25 nghìn kế toán viên từ trình độ trung cấp, cao đẳng và bây giờ là trình độ đại học và sau đại học. Hàng năm trường tuyển sinh 3.750 sinh viên đại học chính quy thì ngành kế toán tuyển 900 - 950 sinh viên (chiếm trên 25%). Lưu lượng sinh viên ngành kế toán thường ở mức gần 4.000 em. Khoa Kế toán cũng là khoa có số lượng giảng viên đông nhất trong trường với gần 60 người. Chương trình đào tạo ngành kế toán của trường thiên về hướng nghề nghiệp ứng dụng. Ngoài các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, các em sinh viên còn phải có tư duy tham gia hoạch định, phản biện chính sách.
Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Hà Xuân Hùng cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã trở thành các thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, tham gia vào CPTTP… Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế lại đang trong giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Trong bối cảnh đó, ngành kế toán – kiểm toán cũng cần phải được thay đổi từ cách tiếp cận, quy trình, phương pháp và công cụ thực hiện. Việc các doanh nghiệp đang có xu hướng sử dụng các phần mềm kế toán – kiểm toán thông minh, tích hợp nhiều hệ thống dữ liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong kế toán – kiểm toán đòi hỏi nhân lực trong ngành kế toán – kiểm toán cũng phải được thay đổi để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, khi hội nhập kinh tế quốc tế cũng đòi hỏi ngành kế toán – kiểm toán phải thống nhất áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán tài chính quốc tế, trong khi đó, Bộ Tài chính đang triển khai lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam.
"Trước những thay đổi đó, yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành kế toán – kiểm toán nói chung và Trường Đại học Lao động – Xã hội nói riêng cần phải thay đổi trong tư duy, tiếp cận, chương trình đào tạo. Do vậy, Hội thảo được tổ chức vào thời điểm này là cơ hội để các nhà khoa học làm rõ những vấn đề đặt ra và đưa ra những định hướng cho đào tạo kế toán – kiểm toán trong bối cảnh mới. Các ý kiến thảo luận của các nhà khoa học tại Hội thảo sẽ là căn cứ khoa học để giúp Trường Đại học Lao động – Xã hội điều chỉnh, xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp", TS Hà Xuân Hùng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ về 4 chủ đề chính gồm: Tác động và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động đào tạo nói chung, đào tạo ngành kế toán – kiểm toán nói riêng; Chương trình đào tạo kế toán – kiểm toán trong nước và thế giới; Đổi mới trong xây dựng chương trình đào tạo lĩnh vực kế toán - kiểm toán; Đổi mới trong tổ chức hoạt động đào tạo ngành kế toán, kiểm toán với nhiều tham luận thiết thực và bổ ích như: Tiến sĩ Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Kế toán Kiểm toán - Bộ Tài chính trình bày về định hướng phát triển của ngành Kế toán – Kiểm toán tại Việt Nam và những định hướng cho hoạt động đào tạo nhân lực kế toán trong giai đoạn hiện nay. Phó giáo sư, tiến sĩ Đặng Thái Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán, nay là Cục Quản lý Giám sát Kế toán Kiểm toán, Bộ Tài chính trình bày tham luận về "Đào tạo kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0". Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Ánh, Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ về vấn đề "Đổi mới trong xây dựng chương trình đào tạo lĩnh vực kế toán - kiểm toán". Ông Nguyễn Phi Nghị, Phó Giám đốc Văn phòng Hà Nội, Công ty cổ phần Misa trình bày tham luận về Chuyển đổi số và cơ hội với ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam. Ông Phạm Hải Âu, Uỷ viên Hội đồng quản trị Công ty Tài chính Tín Việt (Viet Credit) trình bày tham luận về yêu cầu về nhân lực kế toán, tài chính hiện nay đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bà Lê Thu Huyền (cựu sinh viên Đại học Khóa 2 ngành Kế toán của Trường Đại học Lao động Xã hội, nay là Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh chia sẻ về những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của Kiểm toán viên hiện nay. Phó giáo sư, tiến sĩ Nghiêm Văn Lợi, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý - Đại học Thủy Lợi chia sẻ về "Đào tạo lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0". Bà Trần Thị Vân Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và cung ứng nguồn nhân lực trẻ ACTAX chia sẻ về đào tạo kế toán kiểm toán đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay cũng như kinh nghiệm của AC Tax trong đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Huy, Phó Trưởng khoa Khoa Kế toán - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ những kinh nghiệm về đào tạo kế toán, kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.