CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:59

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo giáo dục nghề nghiệp - nhiệm vụ cấp bách

Trong những năm qua việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Để phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng GDNN chúng ta cần triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và coi việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách trong những năm tới.

Đặt vấn đề

Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề, 5 năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và phân công của Chính phủ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo có chất lượng, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong những năm qua. Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các Hiệp định thương mại thế hệ mới, dịch bệnh Covid-19 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông còn bất cập; cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn chưa hợp lý; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn và đáp ứng được với nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo giáo dục nghề nghiệp- nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 1.

Giờ học văn hóa tại trường TCN miền núi Yên Thế, Bắc Giang

Trong thời gian tới phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo đồng bộ với đổi mới căn bản toàn diện về GD&ĐT; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính ổn định của hệ thống nhưng cần tầm nhìn dài hạn. Phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động để đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc, giảm tình trạng thất nghiệp và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; nâng chất lượng GDNN từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới; thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động. GDNN là dịch vụ công cơ bản, thiết yếu được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo; trường chất lượng cao, các cơ sở GDNN chuyên biệt tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; có chính sách xã hội.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2025: Quy mô tuyển sinh GDNN đạt gấp đôi so với hiện nay, chú trọng tuyển sinh các ngành, nghề đáp ứng các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm QG. Phấn đấu có 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4...

Đến năm 2030: Tiếp tục tăng quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong quá trình trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Phấn đấu Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và các nước công nghiệp mới G20.

Những vấn đề cần giải quyết

Để thực hiện theo chúng tôi ta cần triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và coi việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách trong những năm tới.

Theo chúng tôi về phương pháp giảng dạy: Áp dụng, đẩy mạnh phương pháp đào tạo theo năng lực thực hiện có kết hợp với các phương pháp dạy nghề truyền thống còn hiệu quả; chương trình đào tạo đã được thiết kế chủ yếu theo tích lũy mođun, tín chỉ, do đó cần khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có khả năng giảng dạy tích hợp. Nhà giáo cần đáp ứng về trình độ đào tạo, năng lực sư phạm, đặc biệt kỹ năng nghề; đối với giáo viên dạy các nghề tiếp cận trình độ khu vực, quốc tế cần phải có năng lực tương thích với năng lực nhà giáo của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới để đào tạo được học sinh, sinh viên cùng trình độ, cùng mặt bằng chất lượng. Để thực hiện triết lý trên việc đào tạo, bồi dưỡng GVDN cần đáp ứng tình hình mới phải: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, bảo đảm chất lượng ở các trình độ khác nhau. Ở Việt Nam đã và sẽ tiến hành đào tạo, bồi dưỡng GVDN theo các mô hình cơ bản sau đây:

- Đối với nhà giáo dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng (trong nước và ngoài nước) cho giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình tiên tiến của nước ngoài theo hướng đào tạo kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề quốc tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin để có năng lực tương thích với năng lực nhà giáo từng nghề của các nước tiên tiến trong khu vực, quốc tế bảo đảm số lượng và chất lượng.

- Đối với nhà giáo dạy các nghề được đầu tư trọng điểm cấp độ quốc gia và các nghề khác ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đào tạo đảm bảo đạt chuẩn về: trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại luật Giáo dục nghề nghiệp. Bồi dưỡng các chuyên đề khác để nâng cao năng lực.

- Đối với kỹ sư, người lao động giỏi, nghệ nhân có chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm được lựa chọn tham gia dạy nghề các mô hình trong doanh nghiệp, chủ yếu dạy nghề cho lao động nông thôn được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm (kỹ năng chuẩn bị bài, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng kiểm tra, đánh giá), công nghệ mới và các chuyên đề cần thiết khác.

- Đối với các Trường sư phạm kỹ thuật đào tạo GVDN theo hai mô hình cơ bản là: đào tạo mạch thẳng hoặc đào tạo nối, nhưng chủ yếu đào tạo nối về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho GVDN hoặc các đối tượng đã có trình độ muốn trở thành GVDN.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo giáo dục nghề nghiệp- nhiệm vụ cấp bách - Ảnh 2.

Giờ học tích hợp của trường CĐN Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang

Để thực hiện được các mô hình đào tạo; đồng thời thu hút được người đủ điều kiện, người tài trở thành GVDN cần phải thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp cơ bản sau đây:

- Quy hoạch, phát triển, nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GVDN. Sớm thành lập Học viện GDNN để tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học về dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; đào tạo gắn liền với nghiên cứu…nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo dã có, hình thành thêm một số khoa sư phạm dạy nghề tại một số trường cao đẳng mạnh để bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo GDNN, chủ yếu cho đào tạo kỹ năng nghề mà các cơ sở khác chưa có điều kiện tổ chức đào tạo; xây dựng các Trung tâm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho nhà giáo GDNN.

- Nâng cao năng lực, đổi mới hoạt động của các trường sư phạm kỹ thuật, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GVDN. Phát triển chương trình theo hướng tăng thời lượng rèn luyện kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy bộ môn, modul, tín chỉ. Tổ chức đào tạo xen ghép giữa học trong trường và đi thực tế ở các doanh nghiệp…

- Nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN. Trao đổi chuyên gia, giáo viên dạy nghề giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Mở rộng quan hệ hợp tác với một số nước GDNN phát triển trong khu vực ASEAN và châu Á (như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản …), EU (như Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Anh,…), Úc và Bắc Mỹ thông qua việc đưa nhà giáo đi đào tạo ở nước ngoài, hoặc mời chuyên gia nước ngoài đến đào tạo tại Việt Nam. Hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở GDNN trong nước chủ động mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài phát triển cơ sở GDNN chất lượng cao ở Việt Nam.

- Định kỳ 2 năm nhà giáo GDNN đi thực tế sản xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; từ 2 đến 5 năm nhà giáo GDNN được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề, công nghệ mới, phương pháp giảng dạy... Khuyến khích nhà giáo tự học, tự nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng giảng dạy.

- Việc xây dựng, nâng cao chất lượng nhà giáo viên GDNN trên cơ sở định hướng của Nhà nước trách nhiệm của nhà giáo, đặc biệt trách nhiệm của Giám đốc, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định.

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chế độ, chính sách về đặc thù, đãi ngộ; tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng; kiểm tra, đánh giá đội ngũ nhà giáo. Triển khai thực hiện quyết liệt theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, Tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp, kịp thời chuyển xếp lương cho nhà giáo; quy định phụ cấp đối với giáo viên dạy cả lý thuyết và thực hành (dạy tích hợp); Mục tiêu xây dựng cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà giáo GDNN đảm bảo yên tâm giảng dạy, yêu nghề và sống, phát triển vì nghề.

PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Chủ tịch HH GDNN và Nghề CTXH VN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh