THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:59

Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu: “Sân khấu miền Nam cần nghiêm túc hơn”

* Là một đạo diễn sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh nhưng anh lại hay ra Bắc dựng vở. Anh thấy sân khấu nơi đây thế nào?

- Theo tôi, sân khấu miền Bắc nên thay đổi. Chính kịch hay bi kịch chỉ mang tính chất thể loại trong quan niệm làm nghề. Còn tôi nghĩ, kịch cứ đến với khán giả được là tốt. Mỗi thể loại kịch đặt ra một vấn đề, một hình thức hay một kiểu nào đó. Không ai bắt chính kịch phải tuyệt nhiên vắng tiếng cười, hay hài kịch thì không thể nói những vấn đề nghiêm túc. Tôi thấy nhiều vở chính kịch nặng về chủ đề quá, cứ như là mỗi vở phải có tuyên ngôn, thông điệp trong khi hình thức lại không nhuần nhuyễn. Vở kịch diễn ra cũng như chúng ta nói chuyện với nhau.

Cùng một vấn đề, có người nói một cách nghiêm túc, người thì cứ đùa đùa. Theo tôi, sân khấu bản chất mang tính giải trí. Thông qua tính giải trí, anh mới gửi gắm điều gì đó. Còn hiện nay, nó vẫn nửa vời. Những vở diễn ở TP Hồ Chí Minh nặng về giải trí, đến nỗi các nghệ sĩ quên mất mình muốn nói gì. Họ cứ trêu đùa, trọc ghẹo vậy thôi. Theo tôi, sân khấu miền Bắc nên mềm mại hơn, và miền Nam thì cần nghiêm túc hơn.

* Người Bắc thích Trần Ngọc Giàu vì điều gì?

- Tôi nghĩ, khán giả cũng muốn thay đổi. Theo tôi, khủng hoảng của sân khấu hiện nay chính là khủng hoảng về nội lực. Nhìn lại đội ngũ đạo diễn bây giờ thì thấy đúng là hơi căng. Những đạo diễn cây đa, cây đề thì sức khỏe đã yếu, thậm chí có người không dựng vở nữa, những gương mặt trẻ thì quá hiếm. Vì thế, giám đốc các nhà hát muốn mời tôi ra đây dựng vở nhằm mục đích đa dạng phong cách, màu sắc chứ không phải tôi giỏi giang gì đâu.

NSND Trần Ngọc Giàu.

* Nhưng các nhà hát miền Bắc lại hay mời anh dựng chính kịch, một thể loại không phải là thế mạnh của đạo diễn miền Nam?

- Có lẽ do tôi làm công tác giảng dạy nên cái gì cũng phải chỉn chu. Trong khi các bạn trẻ hiện nay thiên về giải trí, thì tôi vẫn giữ “nét”, chưa đến nỗi bị “hư”. Làm ở môi trường đậm chất giải trí song tôi vẫn đi theo dòng chính kịch.

* Những vở diễn chính kịch dựng ở miền Nam có ăn khách không, thưa anh?

Trước đây, những vở chính kịch cũng diễn được nhiều nhưng bây giờ người ta không đi thuần vào cái đó nữa. Vẫn là chính kịch nhưng pha trộn các lớp hài hoặc thêm chút yếu tố ma. Ở đây, người ta đang cố đi tìm hình thức để chuyển tải vấn đề, và cố làm sao có tiếng cười. Sân khấu muốn làm gì thì làm, nói điều gì đó về đời sống xã hội, về luân lý, gia đình, tình yêu, hôn nhân nhưng có tích mới dịch nên trò. Họ đi tìm hình thức để có tiếng nói dễ chấp nhận hơn.

* Có một thực tế là các chương trình truyền hình đang lấy đi khán giả của sân khấu?

- Các gameshow trên truyền hình đã tạo nên thói quen, hình thành kiểu xem vui vui. Cách này cứ thấm vào, tiêm nhiễm vào đầu diễn viên trẻ, trong khi sân khấu không phải như vậy. Nhưng có một điều lạ là đầu năm nay, các sân khấu ở Sài Gòn thu hút một lượng khán giả đông quá mức. Sàn diễn nào cũng kín hết, dù có đến 2 hoặc 3 suất một ngày, trong khi chất lượng các vở kịch chỉ bằng các năm, nếu không muốn nói là kém hơn. Hình như năm nay khán giả ít xem phim hài. Theo tôi, họ tìm đến với sân khấu một phần do yếu tố gameshow. Các danh hài xuất hiện nhiều trên các chương trình truyền hình, nếu đi xem, họ gặp lại các danh hài này, và họ đoán không có gì mới. Vì thế, khán giả tìm đến các sàn diễn kịch, nơi có những khuôn mặt mới, và “sao” của gameshow không xuất hiện trong các vở diễn. Tức là, có lẽ họ đã bắt đầu thấy các trò chơi truyền hình nhàm chán rồi. Các bạn diễn viên trẻ có cơ hội hơn do các “sao” diễn sô nhiều quá. Đây là giải pháp tình thế, và có vẻ như nó đáp ứng được yêu cầu của khán giả.

* Hiện nay công việc và mối quan tâm chính của anh là gì?

Mấy năm nay, tôi ít dựng kịch. Hiện tại, hình như dòng kịch không hợp với tôi, vì tôi yêu cầu phải có nhiều thời gian để tập luyện, trong khi mọi người tập tành rất vội vã, thậm chí 11, 12 giờ đêm mới tập, sức khỏe mình không cho phép làm việc như thế. Trong điều kiện đó, tôi không thể làm vở chỉn chu như ý. Hơn nữa, ở sân khấu, tất cả bị phụ thuộc vào diễn viên. Khi nào họ rảnh mình mới tập được. Sân khấu nào cũng cần ngôi sao, mà dùng ngôi sao tức là bị phụ thuộc. Ở miền Bắc, đạo diễn là người có quyền năng số 1, ở miền Nam, diễn viên mới là nhất.  Do vậy, tôi thường chạy show ở các tỉnh hoặc đi làm phim.

* Vậy anh nghĩ gì về điều này?

- Đấy là do họ ham việc. Nhưng khi thấy khán giả bỏ về do sự non kém về diễn xuất, diễn viên cũng giật mình. Nếu nghệ sĩ không nghiêm túc thì khán giả không xem nữa. Điều này là quy luật tự thân. 

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh