THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 02:55

Nỗi niềm nghệ sĩ sân khấu

Nghệ sĩ lão làng không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày ông còn đứng trên sàn diễn. Khi ấy diễn viên sân khấu như những cục nam châm, hút hết mọi đối tượng khán giả về với ánh đèn. Ông và các bạn đồng nghiệp luôn tin rằng, trở thành diễn viên là niềm vinh dự, tự hào không phải ai cũng may mắn có được. Khán giả sẵn sàng bỏ tiền, xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chờ xem các nghệ sĩ hóa thân vào các vở diễn. Thế nhưng thời gian gần đây thì…

Một vở diễn hay là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên….Song, thực tế là hiện nay sân khấu chúng ta đang yếu kém về tất cả các yếu tố.  “Có bột mới gột nên hồ, không có kịch bản hay thì đạo diễn tài thánh cũng không thể dựng được vở diễn tốt”, đạo diễn Lê Hùng nói. Nhưng kịch bản hay ở đâu? Quanh đi quẩn lại chỉ có một vài tác giả lão làng, mà không phải ai cũng còn sung sức để sáng tác. Nhiều người trong số họ chỉ viết theo thói quen, với tư duy và quan điểm sống đã cũ. Nhiều nhà hát vẫn mở rộng cửa đón các biên kịch trẻ về công tác song cũng chẳng mấy ai muốn ngó ngàng, mà nếu có thì những người trẻ ấy chỉ ở một vài năm rồi lại tìm đường khác để sống.

Cái khởi nguồn là kịch bản thì đang thiếu và yếu, nền tảng lý luận phê bình để nâng tầm sân khấu cũng đang dở sống, dở chết. Có đến hàng thập kỷ nay, lớp Lý luận phê bình sân  khấu của Trường đại học Sân khấu điện ảnh không tuyển được sinh viên. Thế cũng có nghĩa chúng ta thường dàn dựng vở diễn trên một kịch bản chưa tốt và thiếu sự đánh giá xác đáng của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Nhưng nghệ sĩ của ta có thật sự giỏi để bù trừ cho sự thiếu hụt của hai yêu tố kia?

Cảnh trong vở “Cầu vồng lục sắc”.

PGS. TS Phạm Duy Khuê, giảng viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh có lần tâm sự, diễn viên miền Bắc thì tự nhận là mình kém xa so với đồng nghiệp phương Nam. “Nhưng nói thật là diễn xuất của các nghệ sĩ phía Nam cũng chưa phải ở tầm cao. Họ cũng mới chỉ dừng lại ở sự minh họa thôi”, PGS. TS Phạm Duy Khuê nói. Điều này cũng dễ hiểu, bởi diễn viên dù tài năng đến mấy cũng không thể thăng hoa trong một vai diễn nhạt nhẽo, ở một kịch bản mà chất lượng chỉ… làng nhàng.

Một diễn viên, NSND, đồng thời giảng dạy diễn xuất trong trường sân khấu điện ảnh có lần nói đùa, rằng những sinh viên trong trường rất nhiều đồ “sứt sẹo”, trượt hết các nơi nên mới vào đây học. Cũng có nhiều em xinh đẹp, có tài đến thi nhưng sau đó mất hút. Hóa ra các em đã đỗ vào trường khác “ngon” hơn. “Rèn luyện, trau dồi người tài năng thành nghệ sĩ giỏi, chứ không phải đào tạo người bất tài thành có tài năng nghệ thuật”, đạo diễn, NSND Xuân Huyền từng phát biểu quan điểm về đào tạo nghệ sĩ. Thời còn đứng lớp ở trường, ông sẵn sàng đuổi thẳng cổ một sinh viên chỉ có đam mê mà thiếu năng khiếu vì “mất công sức mà sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì đâu”. Nhưng bây giờ, thầy giáo mà khó tính thế thì số sinh viên còn lại chẳng đủ để làm thành trường, thành lớp. “Trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Trong quá trình theo học, sinh viên nào thấy không hợp thì tự bỏ. Ai kiên trì theo đến khi tốt nghiệp, không trở thành diễn viên thì làm một công việc gì đó liên quan đến văn hóa cũng được. 10 người học mà có một trở thành diễn viên giỏi đã là thành công”, một giảng viên khoa sân khấu cho biết. Đối với nghệ thuật, học xong mà không làm được nghề thì cũng là chuyện rất... bình thường.

Nói vậy, không có nghĩa sân khấu chúng ta đang “án binh bất động”. Nhiều sự kiện vẫn được tổ chức, các cuộc thi, liên hoan thì gần như năm nào cũng có. Không khí nói chung cũng vui vẻ. “Khán giả vẫn còn yêu sân khấu lắm. Đấy cứ nhìn lũ lượt người chen nhau vào rạp để xem kịch trong những ngày diễn ra Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ và Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng thì biết. Có khác nào xếp hàng mua thịt thời bao cấp đâu”. Đấy cũng là cái cách những nghệ sĩ kịch trường tự an ủi mình giữa thời buổi bùng nổ các phương tiện giải trí. Nhưng điều này cũng dễ khiến người ta rơi vào ảo tưởng. Bởi ít ai biết, sự “bùng nổ” khán giả trong những đêm diễn ấy xuất phát từ nỗi “sợ”: phải nhìn thấy những hàng ghế trống vắng khi nghệ sĩ biểu diễn.

Thế nên, số lượng ghế có hạn mà số lượng vé mời phát ra có cảm giác như…vô hạn. Khán giả quá đông có thể khiến nghệ sĩ biểu diễn hứng thú hơn song cũng dễ khiến khán phòng trở nên lộn xộn, nhốn nháo như... cái chợ. Nhìn đám đông khán giả Hải Phòng suýt xô đổ hàng rào sắt để vào xem chèo, những diễn viên nói với nhau nửa bức xúc, nửa tiếc nuối: “Chỉ cần bán được vé với giá 50.000 đồng, thì đời chúng mình đã khác rồi”. 

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh