THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:49

Đạo diễn, NSND Lê Hùng: Sống hết mình với sân khấu và cuộc đời

 

Vợ chồng NSND Lê Hùng.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Sân khấu - Điện ảnh năm 1970, Lê Hùng khăn gói lên đường ra Quảng Ninh gây dựng Đoàn kịch nói xứ mỏ. Năm 1974, ông vào lính ở mặt trận Tây Nam, năm 1978 về công tác ở Tổng cục Chính trị. Đáng lẽ, đã yên phận binh nghiệp với hàm sĩ quan, nhưng cái máu làm nghề luôn quẫy đạp, nên ông lại “lều chõng” sang Liên Xô thi vào ĐH Sân khấu Matxcơva. Tại đây, ông được học những người thầy lừng danh thế giới. 

Về nước, Lê Hùng nhanh chóng trở thành “bố già” của sân khấu. Từ lúc trẻ cho tới khi tóc muối tiêu, ông luôn chạy sô “mệt nghỉ”. Lê Hùng là cái tên luôn oanh tạc các kỳ liên hoan, hội diễn, với số lượng huy chương đủ để các con làm đồ chơi.

*  NSND Lê Hùng đã dựng được số vở diễn không ai có thể nhớ hết. Tuy nhiên, không ít trong số đó vẫn bị đánh giá là chỉ...bình thường, ông nghĩ sao về điều ấy?

- Đã làm thì phải chấp nhận, có thành công thì có thất bại. Có tác giả sợ viết kịch bản không có nhà hát nào dựng, rồi sợ viết không hay, sợ bị đạo diễn sửa chữa... thế thì bao giờ mới được tác phẩm hay? Tôi quan niệm, cứ lăn vào làm thì mới có được tác phẩm. Tác phẩm nào khán giả chấp nhận thì đọng lại. Nghệ sĩ không phải là cái máy dập, cứ dập là ra tác phẩm. Các anh trách, tôi cũng... cứ làm như thế. Tôi không bao giờ có ý nghĩ làm gì cũng phải thành công. Chỉ mong sao vở đến được với khán giả. Còn hay dở, khán giả có chấp nhận hay không là cả một quá trình.

* Bao nhiêu năm qua rồi, thậm chí khi đã về hưu mà số vở ông dựng vẫn nhiều, thì sân khấu có gì đó không ổn. Một người dựng quá nhiều vở, người ta thường nhận ra những mảng miếng na ná, đôi khi là sự lặp lại. Ông tự thấy mình có sáng tạo gì nổi bật so với trước?

- Tôi làm nhiều, có gì mà không ổn? Ở đâu, nước nào cũng thế thôi. Như ông đạo diễn Steven Spielberg ở Mỹ, làm phim như điên, có phim đoạt giải Oscar nhưng cũng có phim thị trường. Chúng ta cứ quen đánh đồng, nghĩ chia đều là tốt, tôi chỉ buồn là mình làm nhiều mà mọi người không thương. Tôi dựng không vở nào giống vở nào, kể cả mảng miếng xử lý. Nếu có cái gì chung dễ nhận ra Lê Hùng thì chính là giọng điệu.

* Một số vở do anh đạo diễn, diễn viên diễn còn nhiều thiếu sót. Ông nổi tiếng khó tính mà sao vẫn có tình trạng này?

- Vì diễn viên không chuẩn bị kỹ càng, làm xong vở rồi vẫn phải tập luyện chứ. Đằng này, sau khi tổng duyệt yên tâm đóng lại để đấy, đến khi ra sân khấu, không tự tin là vấp. Rồi diễn viên cũng lười, có mấy câu thoại mà không thuộc, tôi thì tôi thuộc cả vở, vở nào cũng vậy. Có lần, tôi phải nhắc thoại cho cả đoàn. Và còn do lãnh đạo đoàn kém, anh phải dồn sức cho diễn viên luyện thành thạo. Nhưng cũng phải nhìn nhận thế này: Có vở dựng quá cấp tập, thứ hai là người ta “đắp” thêm lời mà diễn viên chưa kịp “nuốt” hết. Thêm nữa đời sống đòi hỏi cao, lương nghệ sĩ không đủ sống, ngoài chuyện tập diễn còn phải bươn chải: Lồng tiếng, đóng phim, chạy sô thì thời gian đầu tư không còn như xưa nữa.

* Người ta cho rằng ông gặp may nên làm nghệ thuật sân khấu mà giàu như doanh nhân?

- Đạo diễn là một nghề khắc nghiệt. Một vở diễn được đầu tư không nhiều nên đối với nhiều đoàn nghệ thuật địa phương, nếu vở ấy bị bể thì cả năm họ sẽ bị đói. Vì lẽ đó, các đoàn rất chú trọng mời đạo diễn giỏi. Để được nhiều đoàn nghệ thuật mời dàn dựng như hôm nay, tôi phải dùng một câu hơi sáo là phấn đấu để khẳng định mình. Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng là thị trường, mặt hàng của mình không tốt thì người ta không mua. Khi tôi dựng seri hài kịch “Đời cười”, có người bảo tại sao Lê Hùng lại dựng kịch ngắn, hay là định nghiệp dư hóa diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ? Tôi bảo rằng cứ để yên cho tôi làm. Khi vở diễn ra mắt, dư luận buông một câu “được”, Nhà hát thu về tiền tỷ. Rõ ràng không có sự may mắn nào cả mà chính bản thân mình phải có sự tìm tòi và sáng tạo.

* Có phải vì tài hoa mà NSND Lê Hùng đã trải qua... 5 cuộc hôn nhân?

- Ai đó tính tất cả những người phụ nữ đã sống chung với tôi mới thành vậy. Thật ra, trước đây, tôi chỉ đăng ký kết hôn với hai người thôi.

* Nếu bảo rằng, ông có số khá truân chuyên trong đời sống gia đình thì có đúng không?

- Có cái đúng và cũng có cái chưa đúng. Có người cho là truân chuyên nhưng cũng có người cho là hạnh phúc. Được nhiều người yêu chưa hẳn là hay mà cũng chưa hẳn là không hay. Nó có thể là hạnh phúc nhưng cũng chưa chắc đã là hạnh phúc. Tùy cách nghĩ của mỗi người. Còn tôi, tôi cho đó là số mệnh. Tất cả thuộc về số mệnh.

* Có thể hình dung thế nào về Lê Hùng trên sân khấu và Lê Hùng ngoài đời?

- Hai người là một. Gia đình và sân khấu là mục đích sống của tôi. Mục đích này bổ sung cho mục đích kia. Tôi có hạnh phúc trong gia đình thì mới yên tâm cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Và ngược lại, sự thành đạt trên sân khấu mang lại sự tự tin cho cuộc sống gia đình. Thế nên, Lê Hùng trên sân khấu hay ngoài đời thì đều sống hết mình và làm việc hết mình.

* Về già, ông vẫn khiến dư luận xôn xao vì kết hôn với cô gái kém mình 32 tuổi. Vợ trẻ có khi nào đòi hỏi những nhu cầu mà ông không thể đáp ứng?

- Ở cái tuổi của vợ tôi, với nhiều người khác, họ có thể sẽ đòi hỏi phải được chiều chuộng, được mua cái này sắm cái kia, được đưa đi du lịch này nọ nhưng bà xã tôi thì không. Cô ấy lấy tôi, chấp nhận cuộc sống của tôi rồi dần dần cũng thấy yêu cuộc sống ấy. Có một điều tưởng chừng quá đỗi giản đơn mà tôi dự tính bao lần vẫn chưa thực hiện được, đó là vào những ngày lễ tết đưa vợ con đi ăn nhà hàng. Vì tôi quá bận. Tôi cũng chưa bao giờ mua những món quà đắt tiền, hàng hiệu gì ghê gớm để tặng vợ bởi vợ tôi không phải là người thích những thứ vật chất như thế. Cô ấy thường “dọa” tôi: “Em không cần cái nhà, không cần cái danh, cũng không cần của cải vật chất gì nhưng nếu anh đối xử không tốt với em là em sẽ mang cả mấy đứa con đi đấy”.

* Châm ngôn sống và làm việc của ông?

- Sống để vui. Phấn đấu để vui.  Tôi vẫn có lòng tin vào cái mà mình đang phấn đấu.

HOÀNG LAN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh