THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 01:54

Đánh thức khát vọng hoàn lương

 

Ám ảnh “cái chết trắng”

Ngồi trên chiếc ghế được sản xuất theo kiểu dáng hiện đại ở Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đắc Lắk (đóng tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk), kéo áo lên khỏi bắp tay loang lổ vết tiêm chích ma túy, Ka Hải ở xã Ea Khal (huyện Ea H’Leo, Đắc Lắk) rơm rớm nước mắt. Hải bảo, vào đây điều kiện sống và sinh hoạt rất tốt. Được cán bộ hướng dẫn, uốn nắn, người cùng cảnh thì động viên nhau vươn lên. Mỗi lần nghĩ về quá khứ lại thấy ám ảnh đến day dứt. Đang là người khỏe mạnh như trâu mộng, có thể đi rẫy, đi rừng giúp vợ con và gia đình thì có người rủ thử hút “thuốc tiên”. Hút xong thấy ngây ngất nên nhiều bạn khác người Ba Na, người Mông, Gia Rai... cũng hút theo. Khi ma túy ngấm vào, các đồ vật trong nhà cũng lần lượt ra đi. Mỗi lần lên cơn vật thuốc, Hải lại hành hạ vợ con. Một sáng thức dậy thấy người thân khóc sưng mắt và người đầy thương tích, trong anh trỗi dậy sự rằn vặt, hối hận.

 

Nhiều học viên vừa cai nghiện vừa thuần thục nghề chăn nuôi.

 

Cũng như Hải, Văn Tếu ở xã Ea Wy (huyện Ea H’Leo) đến khi bán chiếc nhẫn cưới và trộm cả số tiền thuốc vài triệu của mẹ để chích ma túy anh mới nhận ra thân mình chỉ còn da bọc xương. Cha mẹ già và con nhỏ vất vưởng rau cháo qua ngày, vì bao nhiêu tiền Tếu đã nướng cả vào những đêm chui lủi trong rừng sâu với ma túy. Đưa tay bóp trán, Tếu thổn thức: May mà dừng lại kịp. Trước đây, xã Ea Wy ma túy tràn ngập, có nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số lẫn người Kinh lao vào hút ma túy thay ăn cơm. Cái thứ ấy còn hơn cả độc dược vì nó cuốn người ta vào, làm cho con người trở nên hung hãn và mông muội, gây nên những bị kịch cho người thân. Có thời điểm, vài bà mẹ già như ngọn đèn trước gió phải nuốt nước mắt viết đơn xin chính quyền mang con mình đi cai giúp vì nó nghiện quá nặng. Trong nỗi nghẹn ngào ăn năn, Lê Văn B ở Đắc Phơi (huyện Lắc) tâm tình, nếu không dừng lại đúng lúc có lẽ đã mất tất cả, chẳng còn gì. Hàng chục bạn của tôi ở Đắc Lắk, Gia Lai trong đó có nhiều thanh niên Mông, Dao... một thời chỉ biết quậy phá, trộm cắp của người thân và làm nô lệ cho ma túy. Có những lúc chúng tôi lầm lạc, u mê xem việc chia ra các nhóm để quậy người nhà và thi hút ma túy là niềm vui. Giờ thì nhận ra đó là lỗi lầm lớn. 

Thức tỉnh niềm hy vọng

Sau khi trộm hết lượt của người thân, bị nhiều trận đòn vì ăn cắp vặt của người lạ, Lê Văn Bình thấm thía nỗi hổ thẹn cứ phải cúi gằm mặt mỗi lần đối diện với người khác nên quyết tâm vào Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đắc Lắk để đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Khác hẳn với mường tượng của mình, ngày đầu đến trung tâm, Bình được đón tiếp và chăm sóc tận tình. Anh được nghe kể những câu chuyện đầy cảm động về nghị lực vươn lên trong cuộc sống, được truyền đạt các kỹ năng về nhiều nghề nghiệp khác nhau. Sau mỗi giờ vật vã cắt cơn trôi qua, nhìn những người cùng cảnh thoăn thoắt làm vườn, trồng cà phê, chăn nuôi kỹ thuật mới, dệt vải và sản xuất ghế mây... tiềm thức Bình trỗi dậy khát vọng quay về làm người lương thiện. Ngay lập tức khát vọng của anh được đáp ứng, hàng ngày Bình được lao động, được ca hát, được chấm công.

Ngày Sùng Thị Hảo đến thăm chồng ở Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đắc Lắk và bất ngờ nhận được những đồng tiền lương từ tay chồng, chị bật khóc vì mừng và hạnh phúc. Chị Hảo tâm sự, nghĩ chồng cai được là tốt, vượt qua được những lần lên cơn là may, thế mà còn hăng say lao động và được trả lương. Chuyện cứ ngỡ như mơ vậy. Nhiều thanh niên đang cai nghiện tại đây cũng được trả lương hàng tháng đã góp phần đỡ đần cho gia đình và một phần chuộc lại lỗi lầm mình đã gây ra.

Từng là sinh viên giỏi nhưng lao vào ma túy nên Nguyễn Văn Thanh. thấy cuộc đời mình như trôi vào ngõ cụt, bạn bè ghẻ lạnh, gia đình đau đớn. Đúng lúc chán nản nhất, Thanh được đưa vào trung tâm cai nghiện. Thương cha mẹ già, Thanh hăng say học nghề và lao động sản xuất với mong muốn sau khi hòa nhập cộng đồng sẽ dùng tất cả các kiến thức mình học được mở một xưởng sản xuất ghế mây. Sau những ngày lao động, học tập tại Trung tâm Giáo dục -Lao động và Xã hội tỉnh Đắc Lắk, Nguyễn Văn Phương cũng cháy bỏng khát vọng làm ông chủ và điều đó không phải là viển vông. Phương bảo, kỹ năng nghề của mình khá thuần thục, sản phẩm làm ra tuyệt đẹp. Sau này về các buôn làng em sẽ truyền lại kiến thức này cho thanh niên, đồng thời khuyên nhủ những người chưa thức tỉnh trước ma túy hãy dừng lại để tự cứu lấy mình và hướng đến tương lai.

 

Học viên làm ghế mây và được trả lương hàng tháng.

 

  Sức mạnh của những nghĩa tình

Bằng sự kiên trì và lòng quyết tâm cao, ông Võ Phú Hùng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đắc Lắk cho biết, hiện chúng tôi đang quản lý, điều trị và dạy nghề cho trên 350 đối tượng từ nhiều buôn làng khác nhau.

Trong đó, có 282 đối tượng bắt buộc, 52 tự nguyện và 17 đối tượng xã hội. Dù mưa bão, giông gió hay nắng cháy chúng tôi cũng sát cánh bên các học viên. Phải thắp lên trong mỗi con người ngọn lửa khát vọng quay về cộng đồng làm lại cuộc sống mới, giàu đẹp. Nhiều đêm tìm hiểu kỹ tôi nhận ra trong tiềm thức của mỗi học viên đều có những khát vọng đẹp về cuộc sống. Vậy nên chúng tôi đã tìm mọi cách liên kết với các công ty để ký kết các hợp đồng sản xuất ghế mây, dụng cụ gia đình cho học viên sản xuất. Học viên nào thích nghề trồng trọt, nghề may dân dụng thì sẽ được dạy nghề ngay. Có nghề, tham gia lao động các học viên đều có thu nhập theo định mức ngày công cụ thể hoặc từ kết quả các sản phẩm. Nhiều người từ trung tâm ra đã thành ông chủ, bà chủ. Tất cả 100% học viên vào Trung tâm đều được học tập nội quy, quy chế, các văn bản pháp luật.

 Trong không gian vui nhộn của khu hoạt động văn nghệ, thể thao Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội tỉnh Đắc Lắk, Lê Văn Tám khoe, trước đây tính tình hung tợn và cục cằn lắm. Mình chỉ biết hút ma túy và quậy, nhưng giờ biết hát dân ca, chơi đàn, đánh bóng chuyền, đan ghế mây. Người khỏe hẳn ra và thấy yêu đời lắm. Những ngày lễ, Tết... được chăm lo chu đáo nên nhiều học viên như chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trước mắt.

Bà Nguyễn Thị Thanh ở huyện Ma Đ’rắk xúc động kể, cả hai đứa con đều nghiện ngập và gây bao chuyện cho gia đình, người thân. Nghĩ không còn cứu vãn được. Vậy mà giờ các cháu vững vàng nghề sản xuất ghế mây lại có lương tháng. Cánh cửa tương lai một lần nữa rộng mở với các con tôi. 

HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh