THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:53

Đánh giá tác động dịch bệnh nCoV tới nền kinh tế Việt Nam

Đánh giá tác động dịch bệnh nCoV tới nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại cuộc họp ngày 31/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện: Xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần phân tích, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đến sản xuất, xuất khẩu và đưa ra giải pháp, kiến nghị bám sát thực tiễn, không chung chung, phiến diện. Ngoài việc lập tổ công tác xây dựng báo cáo, đánh giá tác động và đề xuất từng giải pháp đối phó với dịch viêm phổi cấp nCoV…, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, người đứng đầu các đơn vị.

“Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ tác động như thế nào đến hoạt động giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam?”, Bộ trưởng nêu câu hỏi.

Người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở đánh giá một cách tổng quan, toàn diện thông qua cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn.

Những đánh giá, phân tích cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, trong đó giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp ứng phó với dịch nCoV của ngành công thương, các đơn vị cũng cần phân tích, đánh giá và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan để Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong công tác phối hợp thực hiện.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh