CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:24

Có phương án phòng chống dịch cho người lao động

Nên hạn chế việc giao dịch qua lại biên giới và tổ chức các lễ hội

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/1, liên quan đến vấn đề lao động Trung Quốc tại Việt nam và việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp do virus Corona, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung triển khai hai việc: Thứ nhất là cùng với Bộ ngoại giao theo dõi sát lao động Việt Nam tại Trung Quốc. Thứ hai là có các phương án để giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch cho lao động trong nước.

Bộ trưởng cho biết, hiện số lao động Việt Nam qua lại biên giới Trung Quốc khoảng 90.000 người. Số lao động Trung Quốc làm việc ở Việt Nam hơn 29.030 người, chiếm 31,73% tổng số lao động nước ngoài ở Việt Nam. Dịp Tết vừa qua, phần lớn số lao động Trung Quốc ở lại Việt Nam, chỉ một số địa phương có người Trung Quốc về nước ăn Tết rồi quay trở lại Việt Nam như Quảng Ninh có 750 người, các huyện biên giới có khoảng 1700 lao động qua lại biên giới trong dịp Tết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đáng lo ngại là ở một số địa phương, người Trung Quốc vào Việt Nam, lấy chồng lấy vợ là người Việt Nam rất đôngk, trong đó, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Bình…

"Đến nay, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Khánh Hoá có nhiều lao động nước ngoài là người Trung Quốc nhưng chưa có báo cáo số lao động trở lại", Bộ trưởng thông tin.

Có phương án phòng chống dịch cho người lao động - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về tình hình lao động Việt Nam tại Trung Quốc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ông hoàn toàn tán đồng với đề xuất về chuyên môn của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, đặc biệt là cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền.

"Hiện nay công tác tuyên truyền đã được chú ý, đặc biệt, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo quyết liệt, Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị, nhưng ở một số địa phương hay người dân vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ. Theo tôi nên tuyên truyền mạnh hơn, sâu hơn và nên giao cho một số đoàn thể có tác động xã hội lớn như Đoàn thanh niên hay các trường học tuyên truyền mạnh hơn về vấn đề này", Bộ trưởng đề xuất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề xuất hạn chế giao dịch qua lại biên giới và khi thực sự cần thiết thì đóng cửa biên giới, đồng thời kiến nghị nên hạn chế tổ chức các lễ hội. "Chúng ta chỉ tổ chức những lễ hội, hội nghị đông người khi thực sự cần thiết, khi cảm thấy độ an toàn cao", Bộ trưởng nêu quan điểm.

 Cũng theo Bộ trưởng, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện giải pháp đeo khẩu trang là rất cần thiết. "Tôi đề nghị trước hết TP. HCM, Hà Nội và một số địa bàn có đông người qua lại giữa hai nước cần phải triển khai trước và chúng ta trang bị khẩu trang đảm bảo chất lượng cho người dân."

Tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu rõ và thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch

Để phòng chống dịch virus corona, trước đó,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan có liên quan để nắm rõ số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc.

Đặc biệt là ở các vùng của Trung Quốc đã công bố có dịch, nắm rõ số lao động Việt Nam tại các huyện, xã vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thường xuyên sang làm việc tại Trung Quốc để có biện pháp tuyên truyền kịp thời khuyến cáo cho người lao động tránh đi vào vùng có dịch.

Phối hợp với các ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân, người lao động hiểu rõ và thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch nCoV nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người dân, người lao động, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Có phương án phòng chống dịch cho người lao động - Ảnh 2.

Chủ động nắm rõ tình hình lao động Trung Quốc về quê dịp Tết và trở lại Việt Nam làm việc (Ảnh minh họa)

Các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng,... tăng cường thực hiện kiểm tra, chăm sóc y tế để chủ động phòng, chống dịch nCoV tại cơ sở; Rà soát, quản lý số lượng đối tượng lao động là người Trung Quốc tại các địa phương.

Chủ động nắm rõ tình hình lao động Trung Quốc về quê dịp Tết và trở lại Việt Nam làm việc, phối hợp với ngành Y tế cách ly người lao động về nước từ vùng có dịch, phối hợp với cơ sở y tế cách ly người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV và kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời khi cần thiết; Hạn chế tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người; Thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến của dịch nCoV để kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và với Bộ các biện pháp xử lý phù hợp nhằm phòng, chống dịch nCoV.

Giao Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan ở địa phương chủ động nắm bắt tình hình chung của dịch nCoV để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân và báo cáo Bộ; Giao Cục Bảo trợ xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, và các đơn vị của Bộ (Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị có liên quan) chủ động nắm bắt tình hình, tổng hợp chung báo cáo và kịp thời đề xuất với Bộ biện pháp xử lý.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh