Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
- Pháp luật
- 17:37 - 15/10/2023
Mục đích nhằm đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước) và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư).
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong hoạt động triển khai thực hiện Công ước và Nghị định thư; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Công ước và Nghị định thư trong thời gian tới.
Thời gian tổng kết từ ngày 18/4/2013 (thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 605/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước và Nghị định thư) đến ngày 18/4/2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu nội dung tổng kết phải bám sát các yêu cầu chính trị, ngoại giao và nhiệm vụ phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trên cơ sở bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với Kết luận số 01-KL/TW ngày 4/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thực hiện một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả
Việc tổ chức tổng kết thực hiện Công ước và Nghị định thư phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ triển khai hoạt động tổng kết phải tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đúng mục đích và tiến độ. Bảo đảm quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan; kịp thời phản ánh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng măc phát sinh trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo tổng kết gửi Bộ Công an tổng hợp để hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Công ước và Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công an là cơ quan chủ trì, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi cả nước.
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triến khai thực hiện các nội dung hoạt động trong Kế hoạch này.